Phóng viên: Đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV. Ông đánh giá thế nào về đề án này?
- TS Vũ Tiến Lộc:
Tôi đồng ý bởi đề án tái cơ cấu của Chính phủ đưa ra đã có những giải pháp cụ thể. Trong đó có giải pháp mang tính định lượng để thực hiện tái cấu trúc. Khi đưa ra những số liệu mang tính định lượng thì đương nhiên nhà nước cũng phải có nguồn lực để thúc đẩy quá trình này.
Vấn đề quan trọng nhất đó là cơ chế để thúc đẩy cho quá trình tái cấu trúc khu vực nhà nước nói chung và khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng. Có điều, trong tái cấu trúc khu vực DNNN, chúng ta đưa ra số lượng DN tham gia quá trình cổ phần hóa và thoái vốn khá lớn nhưng trên thực tế số vốn thoái thực sự là không đáng kể. Quá trình thoái vốn như vậy là hoàn toàn mang tính hình thức, không thực chất.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở thoái vốn của nhà nước mà còn là nâng cao hoạt động của chính DNNN, thưa ông?
- Đúng vậy. Quá trình thoái vốn phải gắn với nâng cao hoạt động của DNNN, những DN đang nắm giữ nhiều tài sản lớn, tài nguyên của đất nước để họ thực hiện có hiệu quả. Như vậy, phải tăng cường nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân, bảo đảm họ có tiếng nói quyết định trong quá trình nâng cao hiệu quả của DNNN. Còn nếu thoái vốn vài ba phần trăm thì trên thực tế không có ý nghĩa gì. Thực tế, đấy là nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển đất nước và cũng chính cho quá trình tái cấu trúc.
Xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông cần nguồn vốn lớn trong dân Ảnh: TẤN THẠNH
Cho nên, khi Bộ Tài chính và Chính phủ đề xuất một nguồn lực nào đó cho quá trình tái cấu trúc thì nhớ rằng nguồn lực rút ra khỏi DNNN cũng chính là nguồn lực huy động quay lại cho quá trình tái cấu trúc. Hiện nay, DNNN nắm giữ tài chính và nguồn lực tài sản lớn nên thoái vốn khu vực này dùng cho chương trình tái cấu trúc là cách làm được lợi đôi bên.
Đề án nêu ra con số 10,5 triệu tỉ đồng dành cho tái cơ cấu toàn nền kinh tế, trong đó 6 triệu tỉ đồng huy động vốn ở nhân dân. Việc huy động nguồn vốn lớn như vậy liệu có khả thi? Phải làm như thế nào?
- Huy động như thế là cần thiết. Tôi nghĩ trong quá trình tái cấu trúc, người dân đã sẵn sàng. Ngược lại, khi thực hiện quá trình đó, cũng cần phải để người dân tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh tế, cơ sở hạ tầng. Tái cấu trúc là quá trình cơ cấu lại các nguồn lực của đất nước, trong đó phải tính rút từ đâu ra để tập trung vào đâu cho hiệu quả. Nhà nước có thể rút vốn ở chỗ nào thì tư nhân có thể đầu tư vào chỗ đó. Khi nhà nước cần có những dự án, chương trình lớn thì người dân cùng nhà nước đầu tư.
Như vậy, công thức tái cơ cấu chính là trách nhiệm của Chính phủ cộng với huy động nguồn lực toàn dân. Khi nhân dân tham gia vào các đề án tái cấu trúc, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế thì điều đó có nghĩa phương án tái cấu trúc của Chính phủ là đúng đắn. Chỉ khi có một phương án đúng đắn mới huy động được sức mạnh toàn dân và người dân cũng có lợi ích khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc này.
Liệu người dân thực sự có cơ hội trong quá trình tái cấu trúc này không?
- Quá trình tái cấu trúc DNNN là quá trình thực hiện minh bạch và dân chủ để nhân dân và DN có thể tham gia. Điều này quyết định hiệu quả, sức sống của quá trình tái cấu trúc. Quá trình tái cấu trúc này cũng là quá trình tái cấu trúc vì dân, vì đất nước. Tái cấu trúc thành công chỉ khi nào chúng ta thực hiện được quá trình PPP, tức là đối tác công - tư. Đó chính là phải làm sao để nhân dân chung tay với Chính phủ trong quá trình tái cấu trúc, huy động được mọi nguồn vốn trong xã hội tham gia quá trình này. Nguồn vốn của nhà nước là hữu hạn, còn nguồn vốn của nhân dân bao giờ cũng vô hạn. Chỉ khi người dân sẵn sàng tham gia thì chúng ta mới tạo ra được một kế sách vững bền để dựng xây, phát triển đất nước. Hay nói cách khác, chừng nào nhân dân chưa sẵn sàng tham gia, chừng nào các dự án chưa huy động được sức dân thì chừng đó chưa thành công, chưa thực sự hiệu quả.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM):
Tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm
Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là tài liệu rất công phu, gồm 150 trang với 36 biểu đồ, 13 bảng dữ liệu, sử dụng nhiều mô hình định lượng. Tôi đánh giá cao tinh thần cũng như sự chuẩn bị nghiêm túc của Chính phủ trong việc chuẩn bị tài liệu này và cũng thấy quyết tâm chính trị ở đây là rất cao để chuyển đổi mô hình tăng trưởng có hiệu quả cũng như đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quá trình tái cơ cấu nhà nước, tái cơ cấu các tập đoàn, DNNN, tổng công ty chưa đạt được chuyển biến tích cực, còn chậm.
Bình luận (0)