Tối ngày 6-10, trở về Việt Nam sau khi hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trưởng đoàn Việt Nam - Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, chia sẻ với báo chí về quá trình đàm phán, cơ hội và thách thức với nền kinh tế khi tham gia TPP.
- Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết cảm giác sau khi trở về từ cuộc đàm phán TPP kết thúc thành công, điều mà đại diện nhiều nước nhận định là cột mốc lịch sử khó có thể tưởng tượng?
+ Ông Trần Quốc Khánh: Chúng tôi thấy rất vui khi đàm phán TPP đã kết thúc toàn diện sau 6 năm đàm phán. Mặc dù rất khó khăn nhưng các bộ trưởng đã quyết định tất cả các vấn đề tồn tại và chúng ta đã kết thúc được đàm phán TPP.
- Nhiều người lo ngại Việt Nam là quốc gia gần như nghèo nhất trong các nước thành viên TPP và lo ngại chúng ta sẽ gặp phải nhiều bất lợi?
+ Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Tính từ lần đầu tiên Việt Nam tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN, chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc té, bắt đầu bằng việc gia nhập ASEAN năm 1995 và sau đó là Hiệp định thương mại tự do với Mỹ năm 2000, đến 2006 gia nhập WTO và đến nay hoàn tất đàm phán TPP. Trong hành trang của mình chúng ta đã có 20 năm để chuẩn bị và chúng ta tự tin bước vào TPP.
- Vừa qua nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng các doanh nghiệp (DN) vẫn còn “lơ mơ” trong vấn đề hội nhập và TPP lại là thoả thuận đàm phán bí mật, thông tin rất hạn chế. Vậy chúng ta phải xử lý như thế nào trong thời gian tới?
+ Thông tin về quá trình đàm phán TPP sở dĩ không được phổ biến là do thoả thuận của các nước TPP. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, chúng tôi vẫn thường xuyên tham vấn ý kiến của các hiệp hội DN, tham vấn ý kiến các bên liên quan, bao gồm cả các ban của Quốc hội. Chính vì vậy, quá trình đàm phán chúng tôi tự tin rằng kết quả đàm phán sẽ thể hiện trong đó mong muốn của các DN, ưu tư của các DN, cũng như mong muốn của các vị đại biểu Quốc hội. Nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới là nhanh chóng cùng các nước tham gia TPP nhanh chóng rà soát các văn kiện pháp lý của hiệp định và sau đó nhanh chóng thông tin các nội dung của Hiệp định tới người dân và các DN để người dân và các DN có thể nghiên cứu về các cơ hội và thách thức mà TPP đem lại.
- Vào ngày 5-10, trước khi chính thức tuyên bố kết thúc đàm phán, thông tin cho thấy việc kết thúc đàm phán có vẻ rất khó khăn. Vậy xin ông cho biết điều gì quyết định đưa đàm phán đi đến kết thúc?
+ Lần này các Bộ trưởng họp mặt tại Atlanta để xử lý các vấn đề còn tồn tại sau hội nghị tại Hawaii vào giữa tháng 7. Đây là những vấn đề rất khó nên Hội nghị tại Hawaii đã đổ vỡ mà không giải quyết được: Vấn đề liên quan đến quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, đến thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược và đặc biệt là các cuộc đàm phán song phương về việc mở cửa thị trường trong đó có thị trường dệt may, giày dép cũng như các sản phẩm sữa…
Đến Hội nghị Bộ trưởng tại Atlanta lần này, các Bộ trưởng tập trung xử lý các vấn đề còn tồn đọng. Ban đầu các Bộ trưởng dự kiến làm việc trong 3 ngày, tuy nhiên đến ngày 2-10, có thông tin các nước gồm Canada, Nhật Bản, Mexico, Mỹ có thể đạt được thoả thuận về quy tắc xuất xứ mặt hàng ô tô. Do đó, các Bộ trưởng quyết định rời ngày về và kéo dài Hội nghị Bộ trưởng thêm 2 ngày nữa. Đến ngày 3-10, chúng ta nhận được thông tin các nước thoả thuận được về vấn đề quy tắc xuất xứ ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng hiệp định TPP đã rất gần rồi, không một ai muốn rời Atlanta mà không có Hiệp định TPP.
Sau đó, cũng trong ngày 3-10 xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, đến ngày 4-10, các nước thống nhất được với nhau về vấn đề sinh dược. Đến lúc đó, không ai muốn rời Atlanta nữa. Các Bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và trong ngày 4-10, các bên đã tích cực đàm phán rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng.
Bình luận (0)