Hơn nửa tháng qua, vụ sạt lở sông Vàm Nao nuốt chửng 14 nhà dân gây chấn động mạnh đối với người dân ĐBSCL. Họ không còn an tâm nữa mà lo ngay ngáy nhà cửa bị trôi sông bất cứ lúc nào. “Chưa bao giờ tôi khiếp sợ đến thế. Cứ đang đêm là tôi tỉnh giấc, mở cửa nhìn ra sông, xem con nước” - ông Nguyễn Kim Nguyên (ngụ ấp Hòa Long, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) bộc bạch.
Xáng cạp vẫn vô tư múc cát
Ông Nguyên cho biết cách nay khoảng 7 năm, tại ấp Hòa Long cũng đã xảy ra đợt sạt lở hết sức nghiêm trọng. Chỉ trong vài phút, 3 căn nhà đã bị “hà bá” nuốt chửng. Căn nhà của ông Nguyên nằm kề khu vực sạt lở, dù rất lo nhưng ông ở liều vì không có điều kiện mua đất cất nhà ở nơi khác. Do đó, mỗi khi trời đổ mưa về đêm thì vợ chồng, con cái ông lại mất ngủ, lo sợ nhà bị cuốn xuống sông sâu.
“Hàng chục hộ dân ở đây cũng cùng chung cảnh ngộ như thế nhưng chưa thể đi đâu. Đây là khu vực được cảnh báo sạt lở nguy hiểm nên chúng tôi rất mong có được chỗ ở ổn định để lo làm ăn” - ông Nguyên bày tỏ.
Đến giờ, người dân ấp 3, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp vẫn chưa thể quên vụ sạt lở cách đây 2 năm. Ông Đặng Văn Tứ (ngụ ấp 3) nhớ lại vào sáng sớm 18-5 âm lịch năm 2015, ông phát hiện cây trứng cá phía sau nhà bỗng dưng bật gốc rồi ngả dần dưới phía sông Tiền. Một vết nứt cặp mé sông chạy qua nhà ông.
Dù được cảnh báo nguy cơ sạt lở nhưng nhà dân vẫn mọc lên san sát bên bờ kênh Ông Chưởng Ảnh: THỐT NỐT
Thấy việc chẳng lành, ông Tứ gọi nhiều người đến phụ di dời tài sản và tháo dỡ ngay căn nhà gỗ. Hàng chục hộ dân gần nhà ông Tứ cũng phải sơ tán khẩn cấp. Sau đó, cả một đoạn tuyến dân cư dài trên 100 m, trong đó có phần nền nhà của ông Tứ, bị nhấn chìm trong biển nước.
“Gia đình tôi đang sống nhờ vào quán nước ở đây nhưng cũng không biết lúc nào sẽ tháo chạy vì nó chỉ còn cách mé sông chưa đầy 5 m. Nếu như sạt lở tiếp tục thì không chỉ quán này bị mất mà Quốc lộ 30 - tuyến giao thông huyết mạch nối huyện Hồng Ngự với TP Cao Lãnh rồi đi TP HCM - cũng rất khó giữ. Dân lo sạt lở như vậy nhưng không hiểu sao dưới sông, xáng cạp vẫn múc cát ngày đêm” - ông Tứ lo lắng.
Ở ấp Tân Hùng, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh, cả trăm hộ dân cũng đang lo ngay ngáy trước nạn sạt lở. Phần đất nhà bà Lê Thị Năm (ngụ ấp Tân Hùng) đã bị ngoạm 10 m tính từ mé sông trở vào.
“Trước đây, khu này có chợ Vàm lớn lắm, từ bờ ra cả trăm mét với mấy mẫu đất. Còn bây giờ, chợ chỉ còn cách sông vài chục bước chân. Hồi trước, ngoài chợ còn 2 dãy nhà phố và bến đò nhưng nay cũng mất hết. Xã mua tràm, đóng kè nhưng chẳng nhằm nhò gì” - bà Năm cho biết. Theo bà, người dân ở ấp Tân Hùng rất lo lắng, nhất là từ khi vụ sạt lở sông Vàm Nao xảy ra nhưng không biết tính sao, chỉ phó mặc cho... ông trời.
“Dân nguy cấp lắm rồi”
Cồn Long Thuận (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) được cảnh báo có nguy cơ bị xóa sổ trong tương lai nếu sạt lở tiếp diễn như thời gian vừa qua. Theo thống kê của UBND xã Long Thuận, từ năm 2011 đến 2015, ở đây xảy ra 45 vụ sạt lở, kéo dài trên nhiều km, ăn sâu vào đất liền mỗi năm khoảng 10 m, diện tích đất bị mất hơn 20.000 m2. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, chính quyền địa phương nhiều lần nắn đường nhưng sạt lở vẫn diễn ra.
Từ năm 2016 đến nay, Long Thuận tiếp tục xảy ra 5 vụ sạt lở, ăn sâu vào đất liền 15 m. Ông Trần Văn Lấn (ngụ tại địa phương) ngậm ngùi: “Gia đình tôi mất hàng ngàn mét vuông đất do sạt lở mấy năm qua. Không biết nhà nước lo tới đâu nhưng dân nguy cấp lắm rồi!”. Theo ông Lấn, trong lúc người dân rất lo lắng thì dưới sông, xáng cạp múc cát, tàu thuyền vận chuyển cả ngày lẫn đêm.
Tuyến sông Cần Thơ, một nhánh của sông Hậu chạy qua địa bàn TP Cần Thơ, cũng thường xuyên xảy ra sạt lở. Vào cuối tháng 3-2015, tại khu vực 4, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng đã xảy ra sạt lở một đoạn bờ kè đang xây dựng. Trước đó 2 năm, vào tháng 5-2013, một đoạn kè dài hơn 40 m, đoạn ngang qua phường Hưng Thạnh, bất ngờ sụp xuống sông. Đoạn kè bị sạt ăn sâu vào bên trong 14-16 m, làm mất khoảng 40 m đường nằm phía trong, nhấn chìm một chiếc ghe trọng tải hơn 5 tấn.
Đến tháng 10-2016, cũng trên tuyến sông Cần Thơ đoạn qua đường 30-4 (phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều), “hà bá” nuốt phần đất dài 100 m nằm dọc sông, sâu vào trong hơn 20 m. Những năm trước, Cần Thơ cũng “đau đầu” trước việc sạt lở xảy ra thường xuyên theo Tỉnh lộ 923 nằm cặp sông Cần Thơ. Nguy cơ sạt lở ở đây vẫn hiện hữu bởi dưới sông, xáng cạp thi nhau múc cát.
Xây nhà ngay khu vực bị cảnh báo sạt lở
An Giang và Đồng Tháp là 2 địa phương có nguy cơ bị sạt lở nhiều nhất ở ĐBSCL. Theo kết quả quan trắc mới đây của các cơ quan chức năng, trên địa bàn 2 tỉnh này có hơn 100 đoạn bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở, cần gấp rút di dời hàng chục ngàn hộ dân. Trong đó, riêng tỉnh An Giang có 51 đoạn bờ sông, bờ kênh bị cảnh báo với khoảng 20.000 hộ dân cần di dời.
Điều đáng nói là trong lúc các tỉnh, thành gặp nhiều khó khăn trong việc di dân, tái định cư thì ở nhiều nơi, chính quyền địa phương và người dân vẫn lơ là, chủ quan. Điển hình như đoạn bờ kênh Ông Chưởng thuộc xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, dù được cảnh báo nguy cơ sạt lở từ nhiều năm nay nhưng nhà dân vẫn mọc lên san sát mà không thấy sự can thiệp nào của chính quyền địa phương. Do đó, nếu xảy ra hỏa hoạn hay sạt lở thì rất khó cứu chữa hay di dời dân ra khỏi nơi nguy hiểm.
Kỳ tới: Khai thác cát tràn lan
Bình luận (0)