Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình hình dịch bệnh cúm A/H7N9 đang diễn biến phức tạp ở 13 tỉnh, thành phố của Trung Quốc với số mắc tăng cao đột biến, tỉ lệ tử vong cao (khoảng 40%). Trước tình hình trên, Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ cúm A/H7N9 lây lan vào Việt Nam là khó tránh khỏi nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Từ Trung Quốc và Campuchia
Trong 2 tháng qua, Trung Quốc ghi nhận hơn 340 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9. Còn tính từ tháng 3-2013 đến nay, số ca mắc cúm A/H7N9 ở Trung Quốc là 1.183 người. Trong khi đó, theo thông báo của Tổ chức Thú y quốc tế (OIE), trong tháng 1-2017, đã xảy ra một số ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại tỉnh Sveyrieng (Campuchia) - địa phương có chung đường biên giới với nước ta.
Bên cạnh đó, ngoài chủng virus cúm H7N9, năm 2016 Trung Quốc cũng ghi nhận 7 ca mắc cúm A/H5N6. Ngoài ra, số ca mắc cúm gia cầm H5N1, H5N8 ghi nhận rải rác ở Ai Cập, Úc và một số quốc gia khu vực châu Âu như Đức, Đan Mạch, Hà Lan...
Trước tình hình trên, Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp, hạn chế thấp nhất các chủng virus cúm gia cầm mới lây lan vào Việt Nam, nhất là từ Trung Quốc và Campuchia.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường cũng vừa có công điện khẩn gửi các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành, đề nghị triển khai biện pháp ngăn chặn các chủng virus cúm xâm nhiễm vào Việt Nam.
Theo nhận định của Bộ NN-PTNT, virus A/H7N9 và các chủng virus độc lực cao khác như A/H5N2, A/H5N8… chưa từng xuất hiện ở Việt Nam đang có nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta, thông qua hoạt động giao thương, nhập lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ các tỉnh biên giới giáp với Trung Quốc và Campuchia.
Do đó, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương, bộ ngành liên quan, chỉ đạo ngăn chặn, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới. Lực lượng chức năng, đặc biệt là biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường, giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y, y tế tổ chức giám sát chặt chẽ tại các thôn, bản, các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc.
Nguy cơ lây sang người
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho rằng năm 2015, khi các ca cúm gia cầm A/H7N9 bùng phát ở Trung Quốc, Việt Nam đã tổ chức giám sát tốt và chưa ghi nhận trường hợp nào mắc cúm này. “Tuy vậy, sự xuất hiện thêm những chủng cúm mới khiến chúng ta phải cảnh giác hơn. Nguy cơ bùng phát cúm gia cầm và các loại cúm gia cầm mới có khả năng lây lan sang người vẫn thường trực” - PGS Phu cảnh báo. Theo ông Phu, các nghiên cứu cho thấy cúm mùa vẫn lưu hành 3 chủng: cúm A/H3N2 (chiếm 45%), cúm B chiếm 43% và cúm H1N1 chiếm 12%.
Phân tích về khả năng sinh tồn của các chủng virus cúm, GS-TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, nhận định virus cúm gia cầm ngày càng nhân rộng và làm thay đổi “bản đồ” bệnh tật của con người. “Các nhà khoa học ước tính có khoảng 144 loại virus cúm. Các chủng cúm ngày càng mạnh mẽ hơn và sinh sôi thêm nhiều “nhánh” mới” - GS Huấn nhận định.
Theo GS Huấn, nguy hiểm nhất là hiện nay một số virus trước đây có độc lực rất cao như H5N1 chỉ lây ở gia cầm có thể đột biến hoặc tái tổ hợp với virus cúm H1N1 (loại virus lây lan qua đường hô hấp ở người nhưng có một phần gien từ cúm gia cầm) để thành một chủng mới có độc lực mạnh. Khi đó, virus có khả năng lây lan qua đường hô hấp từ người thì có thể sẽ là “thảm họa” của loài người.
Đáng chú ý là theo GS Huấn, việc chăn nuôi nhỏ lẻ như nước ta sẽ tạo nên sự duy trì các chủng virus cúm A trên gia cầm nhiều hơn. Đến một lúc nào đó, việc tái tổ hợp hoặc đột biến của virus cúm A trên gia cầm sẽ tạo nên một chủng A/H và N mới có thể dễ dàng lây từ người sang người. Đây là việc hệ trọng của quốc gia mà Việt Nam phải giải quyết để có đối sách ứng phó phù hợp.
Theo dõi người đi/đến vùng dịch bệnh
Theo ông Trần Đắc Phu, virus cúm gia cầm hiện chưa có khả năng lây truyền bền vững từ người sang người song nguy cơ bị nhiễm bệnh của hành khách khi đến/trở về từ vùng dịch là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy, những người đi/đến từ vùng dịch bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe để phát hiện sớm, điều trị kịp thời. Cũng theo ông Phu, người dân cần hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm; chỉ ăn thịt gia cầm nấu chín; không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Bình luận (0)