Ngày 24-5, Quốc hội (QH) dành nguyên ngày thảo luận tại hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13.
Tăng hình phạt với trẻ em phạm tội
Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH, BLHS năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng lứa tuổi từ 14 đến dưới 16 là độ tuổi của những học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, những thay đổi của BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của nhà nước theo hướng xử lý nghiêm đối với trẻ em
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (tỉnh Bến Tre) ủng hộ việc xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến 16 tuổi Ảnh: NGUYỄN NAM
Từ năm 2014-2016, cả nước chỉ có 122 em bị truy tố về tội cố ý gây thương tích; 9 em bị truy tố về tội hiếp dâm và 2 em bị truy cứu về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. "Xử lý như BLHS 2015 là rất nặng cho trẻ em, gần như không có sự phân hóa giữa trẻ em và người lớn phạm tội. Độ tuổi 14 đến dưới 16 có sự thay đổi về tâm sinh lý, tò mò, hiếu động, dễ bắt chước những điều mới lạ, hạn chế pháp luật..." - ĐB Nguyễn Thị Thủy nói.
Đồng tình, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá việc chỉ xử lý những trường hợp rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng sẽ phù hợp với quản lý giáo dục hiện nay.
Trong khi đó, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) dành nhiều thời gian bày tỏ ủng hộ việc xử lý hình sự đối với người đủ 14 đến 16 tuổi. "Tôi là người rất cứng rắn nhưng khi xem một số clip các em đánh nhau, các em xâm phạm, các em dùng tuýp đánh trẻ em nữ, xé quần áo, đón đường đập nhau, tôi không thể xem hết được. Nếu điều này các vị đưa ra quốc tế, các vị cho những người nước ngoài xem thì liệu người ta có đồng tình với các vị không xử lý các em không?" - ĐB Nhưỡng giãi bày.
ĐB Nhưỡng cho rằng cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. Nếu chúng ta chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm. "Ở đây không phải là bỏ tù các em để ĐB nói đến chuyện chúng ta không có nhà tù, không đủ trại giam. Có ai nói là phải bỏ tù các em đâu. Chúng ta xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau và tôi đề nghị phải hết sức cân nhắc điều này" - ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Siết đa cấp bằng Luật Hình sự
Đáng chú ý, dự thảo lần này đã bổ sung điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho biết đa số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung một điều luật mới về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp để xử lý hình sự hành vi kinh doanh đa cấp trái phép, tránh để xảy ra hậu quả rồi mới xử lý về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như một số vụ án liên quan đến kinh doanh đa cấp vừa qua. Tuy vậy, một số ý kiến đề nghị không bổ sung quy định này.
Quan điểm của Ủy ban Thường vụ QH cho rằng kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh hiện đại, nếu tuân thủ đúng pháp luật thì sẽ phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu kinh doanh theo phương thức đa cấp mà vi phạm quy định của pháp luật thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả rất lớn.
Thực tế vừa qua, nhiều vụ kinh doanh đa cấp vi phạm quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho hàng chục ngàn người, chủ yếu là người dân nghèo ở các vùng nông thôn. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH và theo đề nghị của Chính phủ, dự thảo luật đã bổ sung điều 217a - Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Nhất trí về việc bổ sung loại tội này, ĐB Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) đánh giá vừa qua, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, một số đối tượng đã biến tướng phương thức kinh doanh đa cấp để trục lợi, mà hành vi phổ biến là tội phạm lợi dụng hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình để lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: kinh doanh tiền ảo, thực phẩm chức năng, khóa học làm giàu, chăm sóc sức khỏe, bất động sản, đầu tư tài chính...
ĐB Thủy dẫn chứng vụ Công ty CP Đầu tư thương mại và Dịch vụ Cộng Đồng Việt lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của gần 3.000 người dân; Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.000 tỉ đồng của 45.000 người dân. Dù vậy, ĐB này đề nghị dự thảo luật chỉ quy định xử lý người tham gia nếu đủ yếu tố cấu thành tội đồng phạm với người tổ chức, còn các đối tượng tham gia mạng lưới thì nên xem xét để có hướng xử lý phù hợp.
Không đồng tình với quan điểm này, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng BLHS đã bỏ tội "Kinh doanh trái phép" vì không phù hợp tình hình thực tế khi người dân có quyền tự do kinh doanh ở lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nay có thêm tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp là không phù hợp. Ngoài ra, bổ sung tội mới có thể tạo khe hở là nơi "trốn" để đối tượng không bị xử lý về các tội đã quy định với khung hình phạt rất nặng.
Tố giác thân chủ, ai còn tin luật sư?
Một vấn đề được các luật sư là ĐBQH đặc biệt quan tâm trong buổi thảo luận là quy định: "Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng".
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội Nguyễn Chiến (ĐBQH đoàn Hà Nội) đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi bộ luật này vì luật sư bào chữa theo chế định đặc thù có kiểm soát và nghề luật sư quy định bào chữa viên không chịu sự điều chỉnh của nghề luật sư và quy tắc đạo đức luật sư Việt Nam. Không thể đánh đồng luật sư với chủ thể là bố mẹ, anh chị em người phạm tội như dự thảo.
"Luật sư tố giác thân thủ khác nào cha đạo tố giác con chiên vừa xưng tội!? Chỉ một vụ tố giác thân chủ thôi thì liệu xã hội còn tin để nhờ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp nữa hay không?" - ĐB Nguyễn Chiến phân tích.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cũng chỉ ra: Luật sư đi tố cáo thân chủ thì trái với nguyên tắc suy đoán vô tội. Việc chứng minh tội phạm là của cơ quan điều tra, công tố. Chính người phạm tội cũng không cần phải chứng minh mình vô tội. "Vậy nếu luật sư tố giác thân chủ, dù có bằng chứng, thì cũng đã góp phần với công tố để buộc tội thân chủ của mình. Điều này trái với nghĩa vụ công dân và nghĩa vụ của nghề luật sư" - ĐB Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
Tránh "khuyến khích" đình công trong BLHS
Đề cập tới điều 162, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp của nước ta. Cụ thể, điều 162 quy định người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà ra quyết định buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức, viên chức; sa thải trái pháp luật đối với người lao động; cưỡng ép, đe dọa buộc người lao động, công chức, viên chức phải thôi việc… làm cho người bị thôi việc, người bị sa thải hoặc gia đình họ lâm vào tình trạng khó khăn hoặc dẫn đến đình công thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, Ủy ban Tư pháp của QH đã ghi thêm câu "hoặc dẫn tới đình công" là không có căn cứ, không phù hợp. Nghiêm trọng hơn, quy định xử lý hình sự khi sa thải lao động dẫn tới đình công có thể dẫn tới việc "khuyến khích" đình công, hình sự hóa quan hệ lao động.
Bình luận (0)