Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý ngành, trong đó tập trung vào nhiều nội dung "nóng" được dư luận quan tâm, như: quản lý bán hàng đa cấp (BHĐC), quy hoạch thủy điện, các vấn đề thị trường, các dự án thua lỗ "đình đám"…
Mù mờ kinh doanh đa cấp
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, từ đầu năm 2016 đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) BHĐC giảm mạnh, số lượng người tham gia cũng giảm tương đối lớn nhưng doanh thu toàn ngành chỉ giảm khoảng 200 tỉ đồng, tương ứng khoảng 2,5%. "Điều này cho thấy phản ứng của xã hội đối với các hành vi đa cấp bất chính hầu như không ảnh hưởng tới doanh thu toàn ngành" - Bộ Công Thương đánh giá.
Tuy vậy, Bộ Công Thương thừa nhận hiệu quả hoạt động của các DN BHĐC là rất thấp khi có tới 18/37 DN năm 2016 báo cáo lỗ. Một số DN có doanh thu rất cao nhưng tỉ lệ lợi nhuận trước thuế/doanh thu rất nhỏ, như: Amway đạt 3,8%, Thiên Ngọc Minh Uy chỉ đạt 0,5%. "Đóng góp thực sự của các DN cho ngân sách nhà nước là không đáng kể, chủ yếu đến từ thuế GTGT do người tiêu dùng chi trả, không phải từ thuế thu nhập DN. Đóng góp của các DN BHĐC trong việc tạo ra thu nhập và việc làm là không rõ ràng. Tổng số hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia BHĐC đạt khoảng 2.400 tỉ đồng, chỉ tương ứng khoảng 3,8 triệu đồng/người/năm. Điều này cho thấy trong số gần 640.000 người tham gia, chỉ có một tỉ lệ nhỏ là người bán hàng thực sự" - Bộ Công Thương chỉ rõ.
Bộ Công Thương thừa nhận sự cố thủy điện Sông Bung 2 là bài học đắt giá Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Về cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động BHĐC và kinh doanh đa cấp trái phép, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh "kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp" vào Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đồng ý với chủ trương bổ sung tội danh về vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vào Bộ Luật Hình sự 2015. Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Rà soát, chấn chỉnh thủy điện
Liên quan đến các dự án thủy điện, Bộ Công Thương cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, đã tiếp tục phối hợp với các tỉnh xem xét để loại khỏi quy hoạch 4 dự án thủy điện tại tỉnh Quảng Nam và Gia Lai; không xem xét bổ sung quy hoạch đối với 11 dự án thủy điện theo đề nghị của các tỉnh Đồng Nai, Hòa Bình và Lai Châu do không khả thi về kinh tế - kỹ thuật, có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và môi trường - xã hội. Hiện nay, UBND các tỉnh vẫn tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn quản lý để xem xét thu hồi chủ trương đầu tư đối với các dự án đã quá hạn cấp phép nhưng không triển khai thực hiện
Đặc biệt, với sự cố lũ cuốn trôi cửa van số 2 của hầm dẫn dòng thi công công trình thủy điện Sông Bung 2 tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Công Thương xác định đây sự cố công trình nghiêm trọng, gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng lớn đến tiến độ phát điện của công trình. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá trong công tác quản lý chất lượng xây dựng công trình thủy điện. Bộ Công Thương đang tích cực triển khai thực hiện việc giám định nguyên nhân sự cố theo đúng quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến việc xả lũ của các hồ thủy điện gây ngập cho các địa phương, Bộ Công Thương thừa nhận: "Cơ quan chịu trách nhiệm về phòng, chống lụt, bão tại một số địa phương thiếu chủ động kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với chủ đầu tư trong công tác điều hành hồ, không nắm được thông tin, nhất là khi các hồ xả lũ. Công tác kiểm tra công trình, hồ chứa trước mùa lũ ở một số công trình chưa được chú trọng và chưa được xử lý kịp thời, như tại thủy điện Hố Hô...". Bộ Công Thương đề xuất quy định thời gian thông báo trước khi xả lũ trong quy trình vận hành phải linh hoạt và khả thi để tránh các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra.
Không để dự án thua lỗ gây hệ lụy cho nền kinh tế
Về rà soát, đánh giá, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, Bộ Công Thương khẳng định mục tiêu là sớm chấm dứt tình trạng thua lỗ hoặc hạn chế tối đa thiệt hại cho nhà nước, gây hệ lụy cho nền kinh tế. Cùng với đó xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, vận hành, khai thác các dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Bình luận (0)