Ừ, thì "đúng quy trình" cả - theo giải thích của những người có trách nhiệm ở tỉnh này. Quy trình chung theo luật và quy trình riêng do các anh bày ra, có thể gọi là "sân chơi riêng", các anh không trúng đấu giá thì còn ai vô trúng nữa!
Rõ ràng là vụ này hết sức bất thường rồi, khỏi cãi. Dư luận cả nước đang nhìn vào và bỉ bôi còn trung ương thì xem đây là chuyện không thể bỏ qua. Và, điều bất thường nữa là các quan chức Lào Cai lấy đâu ra tiền nhiều như thế để sở hữu đất đắt như kim cương? Trúng đấu giá từ năm 2014, giá đất tính theo thị giá, tính tới thời điểm này thì đã tăng thêm nhiều lắm. Mà chắc gì tài sản của họ chỉ là những lô đất biệt thự ven sông ấy. Đừng quên Lào Cai vẫn là một tỉnh nghèo ở miền núi Tây Bắc.
Tất cả đều trông chờ lời giải thích từ lãnh đạo Lào Cai. Một lãnh đạo tỉnh này phát biểu đơn giản với báo chí: "Họ có tiền thì họ trúng thôi". Còn người dân, dư luận thì mỉa mai: Đấu giá đất công khai mà quan chức không trúng mới là lạ!
Những kiểu giải thích như trên gợi nhớ những trường hợp khác. Một quan chức tỉnh Đắk Lắk xây biệt thự sai phép, khi công luận đặt câu hỏi lấy tiền đâu xây thì ông bảo tích cóp nhờ chạy xe ôm thời trẻ (?). Xe ôm mà làm giàu được như thế thì cả làng giành chạy! Một ông quan huyện ở Thanh Hóa chẳng biết dùng chiêu gì mà "hút" cả đàn dê được cấp cho dân theo diện cứu trợ về trang trại mình. Mấy ông quan xã ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam còn "ăn" mấy chục con gà cứu đói của dân. Chuyện tham vặt lòi ra, xấu mặt cả đời. Nó di hại lớn hơn, lâu dài hơn là khiến cho người dân mất niềm tin vào quan chức, vào chính quyền. Đó là hệ quả nguy hiểm khôn lường.
Câu chuyện ở Lào Cai chưa ngã ngũ song đã kịp thời một lần nữa gióng lên cảnh báo về sự bất minh của tài sản quan chức, nhất là khi Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định 85 về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện này. Với các đối tượng khác thì giao cho tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ vào quy định này để quy định với đối tượng thuộc diện cấp ủy mình quản lý bảo đảm việc kiểm tra, giám sát kê khai tài sản.
Kê khai tài sản là một trong những giải pháp phòng ngừa tham nhũng nhưng công tác này nhiều năm qua chưa được thực hiện hiệu quả. Tình trạng kê khai không trung thực, kê khai xong không ai giám sát hoặc không giám sát được, là rất phổ biến, khiến cho việc kê khai dù là bắt buộc nhưng mang tính hình thức. Quy định 85 đề cao khâu giám sát tài sản sau kê khai hy vọng sẽ khắc phục được hiện trạng trên. Và nay, trường hợp ở Lào Cai chính là liều thuốc thử đối với quy định mới này.
Dân giàu thì nước mạnh. Dân hầu hết còn nghèo mà quan chức quá giàu thì làm sao có "công bằng, dân chủ, văn minh"? Xã hội chúng ta khuyến khích làm giàu, cả dân lẫn quan, nhưng phải chính đáng và hợp pháp.
Bình luận (0)