Tại Đà Nẵng ngày 25-3, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức cung cấp thông tin cho người dân về tiến độ dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.
Theo một đánh giá môi trường vào năm 2009, có xấp xỉ 73.000 m3 đất bùn bị nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng khởi công từ tháng 8-2012, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (xử lý ô nhiễm dioxin cho phần lớn đất ở nửa phía Nam khu vực dự án): Đã hoàn thành phần đào xúc và tiếp tục xử lý từ tháng 4-2014, dự kiến tháng 8-2014 hoàn thành. Giai đoạn 2 (xử lý bùn ở nửa phía Bắc): Việc đào xúc bắt đầu vào năm 2014, sau đó tiến hành xử lý vào cuối năm 2015, đầu năm 2016. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành và trả mặt bằng vào cuối 2016.
Ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết dự án đang triển khai đúng tiến độ, đáp ứng mục tiêu hoàn thành xử lý ô nhiễm vào năm 2016. Quá trình xử lý dioxin vẫn bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết quả quan trắc nước ở giai đoạn 1 của dự án cho thấy tất cả mẫu nước đều ở mức an toàn trước khi xả ra môi trường. Bên cạnh đó, sức khỏe của người dân xung quanh, nhân viên sân bay và công nhân đều được bảo vệ.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự buổi cung cấp thông tin lo ngại về độ an toàn tuyệt đối của dự án sau khi hoàn thành. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, nhận định khu vực xử lý ô nhiễm nằm rất gần khu dân cư nên không tránh khỏi nguy hiểm. Bên cạnh đó, nguồn nước trong hồ sen ở khu ô nhiễm vẫn chảy ra ngoài. Ông Điểu kiến nghị tăng cường quan trắc và lắp đặt hệ thống quan trắc ngoài khu dân cư để bảo đảm an toàn cho người dân.
Trong khi đó, ông Lê Kế Sơn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 33), cho biết dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng được thực hiện bằng công nghệ khử hấp thu nhiệt trong mố. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để tiêu hủy dioxin mà không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Khi xử lý xong thì vẫn phải phân tích lại mẫu để bảo đảm chắc chắn sự an toàn về công nghệ này nên người dân có thể yên tâm. Nếu thành công thì Việt Nam sẽ trao đổi với Mỹ về việc xem xét sử dụng công nghệ này ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Ông Sơn cũng nhấn mạnh những người trực tiếp tham gia dự án vẫn có khả năng bị phơi nhiễm nên cần xây dựng phác đồ điều trị và theo dõi bệnh án. Bên cạnh đó, đối với những người dân sống gần khu vực ô nhiễm, cần thực hiện chương trình giám sát sức khỏe để bảo đảm an toàn.
Bình luận (0)