Chỉ đạo nói trên cho thấy quyết tâm của bộ máy hành chính nhà nước trong việc thực hiện sứ mệnh phục vụ DN như đã cam kết.
2016 được chọn là năm Quốc gia khởi nghiệp, trong đó DN là chủ thể, được nhà nước cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa về mọi mặt để hồi phục sản xuất, kinh doanh, mở rộng đầu tư, làm giàu và kiến quốc. Trong các nội dung hỗ trợ đó, phải nói thực lòng không ít doanh nhân chỉ có mong ước giản đơn là công ty của họ đừng bị làm khó. Ai làm khó? Rất dễ kể tên: thanh tra, thuế vụ, hải quan, kiểm toán, cảnh sát khu vực, phòng cháy chữa cháy, cảnh sát môi trường... Tại những buổi đối thoại với lãnh đạo chính quyền các địa phương hoặc các bộ, ngành, nhiều chủ DN bức xúc kể trong một quý, có khi họ phải “đón” gần chục đoàn thanh - kiểm tra dù công ty chẳng làm gì sai; nội dung thanh - kiểm tra thì trùng lắp và chồng chéo. Bị hành như vậy, DN chẳng làm ăn gì được.
Thật khó hiểu khi lực lượng thanh tra, kiểm tra nhiều ngành và ở nhiều cấp hầu như đều rất năng nổ mà lại không mấy để tâm đến các đại dự án “nướng” tiền ngân sách, phát hiện và ngăn chặn sai phạm ngay từ đầu để cho nhà nước và nhân dân được nhờ. Đành rằng khi thanh, kiểm tra phải căn cứ theo quy định của pháp luật song lực lượng chuyên trách nhiệm vụ này hoàn toàn có thể làm sớm được, nếu muốn; để đến khi “nát bét” rồi mới vào cuộc thì làm sao cứu vãn được.
Chẳng hạn như 5 dự án thua lỗ nghiêm trọng, mỗi dự án hàng ngàn tỉ đồng vừa được Chính phủ chỉ đạo xử lý trong nghị quyết tháng 11-2016. Đó là: Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỉ đồng do Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất có tổng vốn đầu tư 2.200 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung; dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với tổng vốn đầu tư 8.000 tỉ đồng do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư; Nhà máy Bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An) có tổng vốn đầu tư 3.000 tỉ đồng do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và vận tải làm chủ đầu tư (đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam); Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng, chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Đạm Ninh Bình thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Nay Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tìm cách thu hồi vốn tối đa cho nhà nước từ 5 dự án này. Bát nước đã đổ đi, làm sao hốt lại cho đầy! Đây đều là những dự án kéo dài nhiều năm, số vốn cực lớn. Phải chi trong quãng thời gian ấy, các hoạt động kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên và nghiêm túc thì nguy cơ thua lỗ có thể đã được chặn đứng hoặc giảm thiểu chứ đâu tổn thất nặng nề đến như vậy!
Bình luận (0)