Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con mình bị “ma ám” nên đưa vào bệnh viện tâm thần, đi tìm “thầy” cứu chữa hoặc đưa vào chùa cầu nguyện. Một số khác lại bỏ mặc, bất lực nhìn con mình “chết” dần bên máy vi tính.
Các phụ huynh có con nghiện game online tìm đến Trung tâm Thanh thiếu niên Miền Nam nhờ tư vấn
Sắm quan tài nếu ép học !
Cuộc trao đổi của chúng tôi với bà Trần Thị Kim Liên, Phó Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên (TTTTN) Miền Nam, liên tục bị gián đoạn bởi sự xuất hiện của nhiều phụ huynh có con nghiện game online. Dù trung tâm đã ngưng tiếp nhận học viên cai nghiện game online hơn một năm nay nhưng số người tìm đến nhờ tư vấn vẫn đều đặn mỗi ngày.
Trưa 6-7, vợ chồng ông Phạm Minh Khoa ở huyện Dĩ An - Bình Dương tìm đến TTTTN Miền Nam với tình trạng tuyệt vọng cùng cực. M.L, cậu con trai 15 tuổi, học lớp 9 của gia đình ông đang quên mọi thứ, thậm chí bỏ cả ăn - ngủ, để chìm đắm trong thế giới đâm chém ảo trên internet.
Từ một học sinh xuất sắc, giờ L. không hề ngó ngàng tới sách vở, không xem tivi và cũng chẳng đọc báo. Khi ông Khoa đập bỏ bộ máy vi tính trong nhà, L. xé hết sách vở rồi lấy dao cắt vào tay đòi tự tử. Nếu cha mẹ không cho tiền đi tiệm net, L. đập phá đồ đạc và đe dọa dùng vũ lực.
Mới đây, ông Khoa đóng 15 triệu đồng cho L. vào học nội trú tại một trường dân lập ở TPHCM nhưng em chỉ ở đó 2 ngày. Được đón về nhà vào ngày nghỉ cuối tuần, L. tuyên bố nếu cha mẹ ép quay trở lại trường thì hãy sắm luôn một cái... quan tài để đưa thi thể em về trong lần đón sau! Vừa trở về nhà, L. đã lao ra tiệm net ngồi suốt từ sáng đến 24 giờ để chơi bù cho 2 ngày ở nội trú.
“Con tôi trầm trọng lắm rồi. Nhìn thấy nó chết dần trước mắt mà chúng tôi không biết cách nào cứu. Gia đình chúng tôi quá bế tắc” - ông Khoa thống thiết trình bày với bà Liên.
Con gái vẫn “máu” đánh nhau
V.H.T.Ng, 14 tuổi, ngụ huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã chơi game online từ năm học lớp 4. Cho rằng đó chỉ là trò chơi giải trí, con người ta chơi được thì con mình cũng chơi được, cha mẹ em không mấy quan tâm.
Từ khi nghiện game, tính khí, nếp sinh hoạt của Ng. thay đổi hẳn, em hung hãn bất thường. Đến năm học lớp 6, Ng. bắt đầu bỏ nhà theo bạn bè đua xe, ăn cắp. Em ăn mặc, để tóc quái dị theo các nhân vật trong game. Là con gái nhưng Ng. sẵn sàng đánh nhau bất cứ lúc nào.
Bà Đoàn Thị Huệ, mẹ Ng., buồn bã tâm sự: “Vì chơi game online mà Ng. trở nên dối trá, ngang ngạnh và dữ tợn lạ kỳ. Tôi khuyên răn, bảo ban bất cứ điều gì nó cũng cãi lại và tỏ ra thù ghét mẹ. Lo nhất là vài lần Ng. còn có biểu hiện muốn giết đứa em nhỏ. Gia đình chúng tôi quá điêu đứng với đứa con gái này”. Vài lần bà Huệ đã bắt giữ Ng. ở nhà, không cho đi chơi nhưng lại phải thả ra vì em luôn dọa sẽ tự tử.
Do cách ăn mặc và lối sống quái dị, nhà trường đã đuổi học Ng. Hiện Ng. đã đến tuổi dậy thì càng khiến gia đình mất ăn mất ngủ bởi kiểu chơi bời vô độ mà không có ý thức. “Chúng tôi hết cách rồi. Ai biết nơi nào tiếp nhận giáo dục người nghiện game thì chỉ cho chúng tôi với” - bà Huệ khẩn thiết.
Đáng sợ hơn cả nghiện ma túy
Những phụ huynh có con là “game thủ” mà chúng tôi có dịp tiếp xúc đều tỏ ra khủng hoảng tinh thần cao độ. Họ chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đề phòng, đối phó với loại “ma túy” này. TTTTN Miền Nam là nơi đầu tiên ở VN đưa ra mô hình cai nghiện game online nhưng chỉ tổ chức được 3 lớp với khoảng 80 học viên.
Vì phải đầu tư quá nhiều công sức trong khi chưa được sự phối hợp, chia sẻ đúng mức từ gia đình “game thủ”, TTTTN Miền Nam đã đuối sức và chưa thể tổ chức lớp mới. “Để tổ chức được một khóa cai nghiện, chúng tôi phải đổ công sức vào gấp 10 lần so với Lớp Học kỳ Quân đội. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất nằm ở chỗ nhiều bậc cha mẹ chưa có ý thức cao trong việc phối hợp ngăn chặn tái nghiện khi các em trở về nhà. Chưa kể, nhiều bậc phụ huynh vẫn tự hào khoe con mình là “game thủ” - bà Liên bức xúc.
Thường xuyên tiếp xúc và tư vấn cho người thân “game thủ”, bà Liên nhận xét: “Nghiện game online còn nguy hiểm hơn cả nghiện ma túy. Ma túy còn có pháp luật ngăn chặn, xã hội lên án, gia đình và trường học phòng ngừa... nhưng game online thì chưa có biện pháp quản chế đáng kể nào từ cơ quan chức năng”. |
Bình luận (0)