Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 3 ngày qua, mới hơn 9 giờ nhưng nhiệt độ ngoài trời tại các TP Nha Trang (Khánh Hòa), Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận) đã lên đến 32-33 độ C, đến giữa trưa xấp xỉ 35 độ C.
Bãi giữ xe Công viên Đồi Dương (TP Phan Thiết) quá tải
do lượng người đến gửi xe vào công viên hóng mát tăng vọt. Ảnh: QUỐC TRIỀU
“Gió như phang, nắng như rang”
Ông Phan Văn Huỳnh, một du khách từ Tiền Giang đến Ninh Thuận hôm 30-3, đã phải bỏ chuyến tham quan vịnh Vĩnh Hy vì không chịu nổi nắng nóng. “Tui từng nghe bạn bè bảo “gió như phang, nắng như rang”, bây giờ ra đây mới thấy ghê quá” - ông Huỳnh nói nửa đùa nửa thật.
Ở 2 chợ đầu mối Phan Rang và Thanh Sơn của tỉnh Ninh Thuận, vào 2 ngày cuối tuần vừa qua, chỉ mới hơn 8 giờ đã đông nghẹt người mua sắm, trong khi thường ngày phải đến sau 9 giờ. Các bà nội trợ giải thích phải tranh thủ đi chợ sớm để tránh nắng nóng. Trong khi đó, chị Phúc, một tiểu thương ở chợ Thanh Sơn, cho biết: “Ngồi bán trong chợ mà cứ tưởng như bị nhốt trong… lò, yếu yếu là xỉu như chơi”.
Tại Nha Trang, TP được đánh giá là có khí hậu ôn hòa nhất miền Trung cũng không tránh khỏi nóng bức trong mấy ngày qua. Từ sáng, tại các công viên dọc đường Trần Phú, hàng trăm người dân địa phương và du khách đã đổ xô đến hóng gió biển. Lực lượng Thanh niên xung kích TP Nha Trang đang bảo vệ ở khu vực này cho biết so ngày thường, số người đến công viên để trốn nóng tăng gấp đôi. Nhiều người đem cả chiếu, ghế ra nằm.
Ảnh lớn: Người dân TP Nha Trang đến công viên trên đường Trần Phú để tránh nắng
Ảnh nhỏ: Trẻ em nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Bình Thuận tăng cao Ảnh: KỲ NAM - QUỐC TRIỀU
Trẻ em, người già nhập viện tăng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bác sĩ Phan Enga, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viên Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết do nắng nóng nên số bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy tăng nhanh. Khoa nhi có 120 giường bệnh nhưng số bệnh nhi đang điều trị đã lên đến 220.
Bà Nguyễn Thị Nga, ở TP Nha Trang, cho biết: Trưa 30-3, có một học sinh bị ngất trên đường từ trường về nhà. Thấy vậy, người đi đường phải dìu em vào trong mát sơ cứu.
Bác sĩ Thái Phương Phiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Tuy chưa đến mức báo động nhưng số bệnh nhi và người già nhập viện do bị tiêu chảy, sốt, huyết áp cao gia tăng trong 4-5 ngày qua. Ngành y tế Ninh Thuận đã chỉ đạo các địa phương tăng cường biện pháp phòng chống bệnh mùa hè, đặc biệt là các bệnh viêm nhiễm đường ruột, tiêu chảy cấp…, không để bùng phát thành dịch. Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận cũng đang phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên diện rộng.
TPHCM: Bệnh tay chân miệng tăng mạnh Đồng Nai: Nhiều nơi thiếu nước và điện trầm trọng l Bình Dương: Bị choáng vì nắng nóng Tại TPHCM, số trẻ đến bệnh viện khám và điều trị trong những ngày nóng vừa qua chủ yếu là nhóm bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng tăng nhiều. Theo TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 648 ca mắc bệnh tiêu chảy, 1.668 ca sốt xuất huyết, 1.343 ca tay chân miệng, 109 ca thủy đậu. Riêng bệnh tay chân miệng, trong tuần mới nhất đã có 156 ca mắc, tăng 26% so với tuần trước. Số phường/xã có từ 2 ca mắc bệnh này tăng 65% so với tuần trước. Đáng lưu ý là vừa phát hiện một ổ bệnh tay chân miệng tại trường mầm non ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh với 10 ca mắc và buộc trường đóng cửa 10 ngày. Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, người dân ở TPHCM và khu vực Nam Bộ còn phải chịu đựng nắng nóng đến nửa cuối tháng 5-2013. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo trong tuần này, nhiệt độ ở TPHCM thấp nhất từ 26-27 độ C, cao nhất từ 36-37 độ C. Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, nhiệt độ trung bình mấy ngày qua khoảng 26-28 độ C, có khi lên đến 36-38 độ C. Nắng nóng khiến nhiều cây công nghiệp trên địa bàn bị khô hạn, nguy cơ cháy rừng được cảnh báo đến cấp cực kỳ nguy hiểm. Tại TP Biên Hòa, trong gần 1 tháng qua, nhiều khu vực đã bị thiếu nước và điện trầm trọng. Vài ngày trở lại đây, nắng nóng cũng xảy ra trên diện rộng ở Bình Dương. Các quán giải khát có bóng cây lúc nào cũng đông khách “bám trụ”. Anh Lê Văn Châu, làm việc tại một công ty bất động sản trên đại lộ Bình Dương, kể một đồng nghiệp nữ đã ngất xỉu khi từ phòng làm việc ra ngoài ăn trưa. Nguyên nhân là do cô này có thể trạng yếu lại ngồi trong phòng lạnh liên tục nên khi ra ngoài gặp nhiệt độ thay đổi đột ngột dẫn đến choáng váng. Cụ Nguyễn Thị Lành (76 tuổi) vừa ngồi hóng mát bên bến sông Sài Gòn (đoạn chảy qua TP Thủ Dầu Một - Bình Dương) than thở: “Trời nóng quá, buổi trưa mà không có chút gió từ sông thổi vào nên người khô khốc”. Nắng nóng gay gắt ở TPHCM trong những ngày gần đây khiến sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận 3) cho biết nhà bà rộng rãi, nhiều cây xanh phủ bóng mát nhưng mấy ngày nay vẫn bị nóng hầm hập. “Từ trước đến giờ, hầu như không dùng quạt nhưng 3 đêm qua, tôi phải bật quạt mới ngủ được”. Chị Trần Minh Vy (ngụ quận Tân Bình, đang mang bầu 8 tháng) cho biết: “Nóng quá, tôi không ăn uống được gì, cứ lấy nước luộc rau hay nước canh chan vào cơm ăn cho qua bữa”. Như Phú - Xuân Hoàng - Ánh Nguyệt - Nguyễn Thạnh |
Bình luận (0)