“Nhà xưởng bị phóng hỏa, sụp đổ đến mức không thể tái sản xuất nên doanh nghiệp (DN) đang tìm mặt bằng mới để xây dựng lại từ đầu. Chúng tôi đến Việt Nam 15 năm rồi và mong muốn tiếp tục đầu tư ở đây và ở lại với các bạn” - ông Wu Hao Chih, lãnh đạo Công ty TNHH Việt Nam - Mỹ Thanh (vốn Đài Loan), khẳng định.
Ngành công an bị trách móc
Sáng 20-5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung, chủ trì buổi đối thoại với gần 100 nhà đầu tư (đa phần đến từ Đài Loan) có nhà máy tại KCN Việt Nam - Singapore (thị xã Thuận An) về các vấn đề liên quan đến đợt gây rối vừa qua. Việt Nam - Singapore là 1 trong 2 KCN bị thiệt hại nặng nề nhất với hơn 90 trong khoảng 300 DN bị đập phá.
Cuộc đối thoại nhanh chóng được hâm nóng khi ông Johnny Liao - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daily Full International Printing Việt Nam, kiêm Giám sự trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam - cho rằng lực lượng Công an Bình Dương đã phản ứng chậm khi xảy ra sự cố khiến các DN bị thiệt hại nặng. Thậm chí có nhà đầu tư khẳng định hôm DN bị đập phá đã gọi báo cơ quan chức năng nhiều lần nhưng công an không đến ngăn chặn kịp thời.
Những bức xúc dịu lắng khi Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, giãi bày: “Tôi nói với các bạn bằng cả trái tim và tấm lòng mình. Các bạn thiệt hại lớn thì Việt Nam chúng tôi cũng thiệt hại không nhỏ, hàng chục ngàn công nhân chúng tôi đang đối mặt với nguy cơ thất nghiệp!”.
Thiếu tướng Đức cho biết công an đã nắm bắt sự việc từ lúc công nhân Công ty Thông Dụng bắt đầu tuần hành (ngày 12-5). Tuy nhiên, sau đó sự việc diễn tiến quá nhanh, lan ra 5 huyện thị khiến công an không ngăn chặn kịp.
“Lúc đó ưu tiên số một của chúng tôi là giải cứu các chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan. Hàng ngàn chuyên gia đã được chúng tôi đưa an toàn ra biên giới Việt Nam - Campuchia hoặc sân bay Tân Sơn Nhất. Không ai bị hành hung.” - ông Đức nói và giải thích thêm: “Chúng tôi phải lựa chỗ nào đánh trước, chỗ nào đánh sau. Và phải đủ lực mới tấn công, trấn áp được bọn xấu”.
Ông James Liu, lãnh đạo Công ty Kok Feng Việt Nam, Chủ tịch Hội DN Đài Loan tại Bình Dương, nói: “Tôi đến gặp công ty nào họ cũng hỏi tôi về sự an toàn khi tiếp tục đầu tư ở Việt Nam. Không riêng gì chúng tôi, đối với công nhân Việt Nam họ cũng cảm thấy bất an”.
Ngoài việc cam kết sẽ làm hết sức mình bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư, Thiếu tướng Đức đề nghị: “DN nên xây dựng lực lượng tự quản tại công ty. Khoảng 100 công nhân đứng ra cản thì lực lượng gây rối sẽ không làm gì được. Vấn đề này thực tế trước đây đã làm rồi và rất hiệu quả”.
Một số nhà đầu tư cho biết mới đây, công nhân của họ bị bọn xấu đe dọa hành hung vì đi làm trở lại. Ông Lê Thanh Cung cho biết công an đang điều tra, trừng trị bọn “giang hồ cóc ké” này.
Hãy tin vào chúng tôi!
Dù đối mặt với muôn vàn khó khăn nhưng trong cuộc đối thoại hầu hết nhà đầu tư đều không muốn từ bỏ Việt Nam. Tuy nhiên, điều mà các nhà đầu tư quan tâm là Việt Nam sẽ làm gì để hỗ trợ họ vượt qua khó khăn.
Bà Vũ Thị Bích Hương, đại diện Công ty May mặc TNHH Apparel Far Eastern Việt Nam (100% vốn Đài Loan), hỏi: “Chúng tôi thiệt hại rất nặng nề, nhà xưởng bị đập phá, dữ liệu máy tính bị mất. DN quyết tâm hoạt động trở lại nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi muốn biết được hỗ trợ ra sao?”.
Nói lời xin lỗi với các nhà đầu tư, ông Lê Thanh Cung cho biết tỉnh sẽ làm việc với từng công ty bị thiệt hại nặng và có hướng hỗ trợ cụ thể. Những công ty bị nhẹ, ông Cung đề nghị sau khi thống kê thiệt hại gửi cơ quan chức năng xử lý xong nên tranh thủ dọn dẹp sớm sản xuất trở lại.
“Trước sự cố thiệt hại này, Chính phủ Việt Nam có trách nhiệm cùng với các ngài khắc phục hậu quả. Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra như thế nào chúng tôi sẽ thông báo cụ thể trong vài ngày tới” - ông Cung nói.
Ông Cung cho biết hiện cơ quan công an đã thu hồi một lượng lớn tài sản của các DN. DN nào chứng minh được tài sản trên là của mình thì được trả lại ngay để nhanh chóng tái sản xuất. “Đây là tang vật chứng cứ phục vụ công tác điều tra khởi tố nhưng tỉnh vận dụng như thế là hết sức mềm dẻo” - ông Cung bày tỏ.
Về dữ liệu lưu trữ trong máy tính bị đốt cháy, đập phá, ông Cung nói: “Những dữ liệu này liên quan đến hải quan, thuế, xuất nhập khẩu, lao động… Một vài ngày tới, DN sẽ được cơ quan chức năng cung cấp lại dữ liệu, hỗ trợ phục hồi để ổn định việc quản lý”.
Ông Cung cam kết: “Bình Dương dứt khoát không để tình trạng như vừa qua tái diễn. Xin hãy đặt niềm tin vào chúng tôi!”.
Ông chủ tốt quá!
Sáng 20-5, một số công nhân đến trước cổng Công ty Mỹ Thanh đã ứa nước mắt khi đọc tờ giấy thông báo được bộ phận quản lý của công ty dán trước cổng, nội dung: “Công ty Mỹ Thanh chúng ta từ trước đến nay đều kinh doanh hợp pháp, đối đãi với nhân viên thân thiện, tích cực nhưng không ngờ trong vụ vừa qua chịu thiệt hại nặng nề.
Rất cảm ơn anh chị em đồng nghiệp Việt Nam trong ngày hôm đó đã hợp sức bảo vệ và hộ tống các quản lý người Trung Quốc và Đài Loan rời khỏi công ty an toàn. Đến hôm nay họ đều đã về đến nhà an toàn và mong muốn thông qua công ty gửi lời cảm ơn đến tất cả đồng nghiệp Việt Nam.
Từ sau khi xảy ra vụ việc đến nay vẫn còn nhiều đồng nghiệp của chúng ta tiếp tục kiên trì bám trụ để hỗ trợ công ty. Công ty cũng sẽ cố gắng hết sức để lấy lại tinh thần. Hy vọng chúng ta có thể tiếp tục hợp tác trong thời gian tới. Công ty đang lập đội trù bị để lên kế hoạch khôi phục hoạt động và hiện vẫn chưa ước tính được thời gian để sản xuất trở lại. Xin công bố tiền lương tháng 5 của anh em vẫn được tính đủ và chi trả vào ngày 5-6”.
Một công nhân nói: “Công ty bị đốt phá tan hoang mà lãnh đạo vẫn trả lương nguyên tháng cho bọn em. Ông chủ tốt quá!”.
Bình luận (0)