Sáng 26-8, HĐND TP HCM khóa VIII đã tổ chức kỳ họp lần thứ 19 (bất thường) để xem xét 4 tờ trình của UBND TP. Đáng chú ý, có tờ trình về việc xét thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất; dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ trên địa bàn.
Trạm kiểm lâm có nên đặt trong rừng?
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết có 298 dự án với tổng diện tích 1.602 ha đất cần thu hồi năm 2015; trong đó, 154 dự án có quyết định giao vốn thực hiện, 144 dự án có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, đã bố trí vốn chuẩn bị đầu tư hoặc chưa bố trí vốn nhưng do tính cấp bách nên cần thực hiện các thủ tục thu hồi đất trong năm 2015.
Theo ông Tín, có 3 dự án tại huyện Cần Giờ chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, gồm: Trường THCS An Thới Đông với diện tích 0,43 ha, trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự xã Thạnh An với diện tích 0,25 ha và Trạm Kiểm lâm An Thới Đông với diện tích 0,05 ha. “Hai dự án đầu nằm trong ranh rừng phòng hộ nhưng hiện trạng không có rừng. Riêng dự án Trạm Kiểm lâm An Thới Đông đang có rừng nên các đại biểu HĐND có ý kiến nhiều nhất” - ông Tín thông tin.
Về phía chủ đầu tư dự án, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Nguyễn Văn Trực cho biết rừng ngập mặn Cần Giờ chia ra 3 loại: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. “Trạm Kiểm lâm An Thới Đông nằm trong khu vực vùng đệm. Vùng đệm và vùng chuyển tiếp là khu vực bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, diện tích cần thu hồi không lớn lắm, chỉ 500 m2. Địa điểm mà chúng tôi chọn đặt trạm là để bảo vệ 7.000 ha rừng phòng hộ. Trạm kiểm lâm thì phải nằm trong rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát, ngăn ngừa chặt phá rừng. Chúng ta bỏ ra 500 m2 để bảo vệ 7.000 ha rừng thì các đại biểu nên chia sẻ” - ông Trực nói.
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết vùng này bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, trừ những công trình mục đích quốc phòng, an ninh mới được thu hồi đất. Là đơn vị thẩm tra tờ trình, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, nói các dự án ở Cần Giờ đều nằm trong khu vực sinh quyển được UNESCO công nhận. Tổng diện tích mà UNESCO công nhận là hơn 74.000 ha, trong đó vùng lõi là 34.000 ha, còn lại là vùng đệm và vùng chuyển tiếp. “Chỉ vì đốn 500 m2 cây rừng ở vùng đệm mà để UNESCO có ý kiến với mình thì không nên” - ông Đông quả quyết. Làm rõ thêm về mặt pháp lý, Phó trưởng Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP Nguyễn Văn Lâm cho biết theo Công ước Đa dạng sinh học mà Việt Nam có tham gia và các luật khác, nếu các điều luật của Việt Nam trái công ước thì phải theo công ước. “Vì thế, khi chúng tôi hỏi căn cứ vào điều nào để nói vùng đệm có thể khai thác rừng thì không giải thích được. Thực tế, một vài nơi ở Việt Nam làm việc này và UNESCO đã có ý kiến. Hơn nữa, vấn đề không phải là 500 m2 nhiều hay ít mà địa điểm này để xây trụ sở làm việc của trạm kiểm lâm chứ không liên quan gì đến vấn đề an ninh quốc phòng. Nếu là chốt để giữ rừng, quan sát, phòng cháy chữa cháy, trồng 4 cái trụ thôi thì chúng tôi đã thông qua” - ông Lâm nêu quan điểm.
Sau khi thảo luận, HĐND TP cũng thông qua tờ trình nhưng riêng dự án Trạm Kiểm lâm An Thới Đông, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP tìm địa điểm nào không phải chặt cây để xây dựng.
Không tăng học phí
Song song với tờ trình danh mục các dự án cần thu hồi đất, UBND TP cũng trình HĐND TP về việc tiếp tục thực hiện Nghị định 49 năm 2010 của Chính phủ quy định miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân năm học 2015-2016. Sau khi bàn bạc, các đại biểu HĐND TP đã nhất trí 100% thông qua tờ trình này, chấp thuận chủ trương tạm thời áp dụng các quy định của Nghị quyết 12 năm 2013 của HĐND TP về thực hiện mức thu học phí theo Nghị định 49 cho năm học 2015-2016. Điều này đồng nghĩa với việc học phí năm học 2015-2016 không tăng so với năm trước.
Thông tin thêm về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết năm học 2015-2016, dự kiến tăng khoảng 85.000 học sinh so với năm học trước. “Với số lượng này thì thử hình dung sẽ phải tăng bao nhiêu phòng học mới đủ? Tình hình gia tăng dân số cơ học này đến năm 2020, chúng ta không biết lấy đất đâu mà xây trường” - ông Quân băn khoăn. Theo ông Quân, Sở Nội vụ TP đã đề xuất tăng 4.000 biên chế cho ngành giáo dục nhưng không được chấp nhận vì Bộ Nội vụ yêu cầu tinh giản, nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu không được tăng. “Lãnh đạo TP đang rất đau đầu vì thiếu giáo viên” - ông Quân nói.
Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua 2 tờ trình: Cho ý kiến và quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công; quy định cụ thể số lượng, chức danh, mức phụ cấp của từng chức danh và mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với cán bộ không chuyên trách ở khu phố, ấp, tổ dân phố…
Cần quyết liệt trong chỉ đạo
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND các cấp triển khai các nghị quyết của HĐND TP có hiệu quả đối với tình hình đầu tư công để bảo đảm các dự án đã có quyết định đầu tư được triển khai. Bà Tâm yêu cầu UBND TP quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện, khắc phục tình trạng nhiều dự án không bố trí được vốn trong một thời gian dài do thủ tục lập hồ sơ chậm. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung rà soát, lập hồ sơ trình HĐND những dự án trọng điểm, cấp bách, đáp ứng nhu cầu dân sinh và sự phát triển của TP.
Bình luận (0)