Thảo luận tại hội trường Quốc hội (QH) về dự thảo Nghị quyết đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông ngày 20-11, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng Chính phủ không nên giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì biên soạn SGK vì như vậy sẽ dễ tạo ra tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
321,6 tỉ đồng biên soạn một bộ SGK
Theo ĐB Tâm, Luật Giáo dục hiện hành quy định việc biên soạn SGK không thuộc trách nhiệm bắt buộc của Bộ GD-ĐT. Nếu Bộ GD-ĐT biên soạn SGK sẽ tạo dư luận không tốt.
“Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT cần tập trung nguồn lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình theo quy định. Do vậy, đề án chỉ nên tập trung vào thiết kế, xây dựng một chương trình mới cụ thể hóa đúng, đủ mục tiêu giáo dục, cùng với đó là các tài liệu hướng dẫn thực hiện chi tiết đúng với thẩm quyền được giao cho bộ” - ĐB Tâm kiến nghị.
Đánh giá điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK được nêu ra chưa rõ ràng, ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) đặt vấn đề: “321,6 tỉ đồng để biên soạn một bộ SGK, trong khi đó Bộ GD-ĐT lại thẩm định tới 4 bộ sách thì 3 bộ sách còn lại sẽ do tổ chức, cá nhân nào biên soạn, kinh phí ra sao?”.
ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP HCM) đề nghị Bộ GD-ĐT làm rõ chủ thể tham gia biên soạn SGK là ai. “Đề án ghi huy động các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân là quá chung chung. Việc khuyến khích tham gia biên soạn SGK là cần thiết nhưng cần tránh hiện tượng “trăm hoa đua nở” dẫn tới sách ra đời nhưng không đáp ứng được việc dạy và học. Cần quy định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK bảo đảm vừa có trí tuệ vừa có kinh nghiệm” - ĐB Trang thẳng thắn.
Sẽ đề nghị thành lập viện nghiên cứu SGK
Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau khi thảo luận tại các tổ, Chính phủ đã có văn bản gửi tới các ĐBQH để giải trình rõ thêm một số vấn đề còn gây băn khoăn. Theo ông Phạm Vũ Luận, việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, SGK ở Việt Nam đến nay vẫn chưa do những người chuyên nghiệp thực hiện.
“Cách làm hiện nay là huy động giáo viên, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn SGK. Để khắc phục, Bộ GD-ĐT đã cử cán bộ đi học chương trình phát triển SGK để khi đủ điều kiện sẽ báo cáo Chính phủ cho thành lập viện nghiên cứu SGK” - ông nói.
Dự báo khả năng không có nhiều đơn vị sẵn sàng tham gia viết SGK hoặc sách viết ra không đáp ứng được yêu cầu, tư lệnh ngành giáo dục cho biết phương án mà Chính phủ đề xuất giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn một bộ sách, đồng thời khuyến khích việc biên soạn các bộ sách khác là để chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra.
“Chúng tôi tính toán thận trọng là cần thiết. Trong khi mô hình mới chưa xuất hiện, mới chỉ có trong tính toán thì có nên loại bỏ ngay mô hình đã có, đã được kiểm nghiệm? Ở đây tuyệt nhiên không có lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nào cả” - ông Phạm Vũ Luận khẳng định.
Trước ý kiến cho rằng việc Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định sách có thể dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, ông Phạm Vũ Luận cho biết bộ chưa bao giờ tự viết SGK và cũng sẽ không trực tiếp viết SGK. Việc viết sách, biên tập chương trình là do các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia. Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức bộ máy vận hành, phát hiện, lựa chọn nhân sự, tập huấn bổ sung thông tin cần thiết cho việc viết sách. Việc thẩm định sách được thực hiện do một hội đồng bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia am hiểu lĩnh vực này từ nhiều cơ quan giới thiệu.
“Đây là một hội đồng độc lập, không phải hội đồng gồm những cán bộ của Bộ GD-ĐT để thẩm định sách do bộ viết ra. Hội đồng này sẽ hoạt động theo quy chế riêng và có tiêu chuẩn, tiêu chí đối với những ai tham gia. Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ kết luận của hội đồng thẩm định để cho phép lưu hành bộ sách đạt yêu cầu” - ông Phạm Vũ Luận nói. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng khẳng định con số kinh phí báo cáo QH là để viết SGK chứ không phải kinh phí cấp cho bộ biên soạn SGK.
Gút lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho biết đa số ĐBQH nhất trí với chủ trương đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông. Dự kiến chiều 28-11, QH sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết này.
Vợ sinh đôi, chồng được nghỉ 10 ngày
Ngày 20-11, 71,43% ĐBQH đã tán thành thông qua dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi. Có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, luật này đã bổ sung quy định lao động nam đang đóng BHXH được nghỉ 10 ngày làm việc khi vợ sinh đôi, từ sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc. Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày làm việc. Nếu vợ sinh 1 con thì người chồng được nghỉ 5 ngày và nghỉ 7 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Ngoài ra, từ ngày Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện theo quy định được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, tương ứng với 15 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%. Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.
Cùng ngày, QH đã thông qua Luật Tổ chức QH (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015) và Luật Căn cước công dân. Theo Luật Căn cước công dân, từ ngày 1-1-2016, việc cấp CMND sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước công dân. Người từ 14 tuổi trở lên mới được cấp thẻ căn cước công dân.
Bình luận (0)