Sáng 29-5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Lê Thị Thủy cho biết Bộ Chính trị ban hành quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm cả cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư.
Bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trao đổi với báo chí bên hành lang QH sáng 29-5"Sẽ không có vùng cấm! Quy định này là của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc" - bà Thủy nhấn mạnh và cho biết trong quy định đã nói rõ toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi có 3 căn cứ. Thứ nhất, khi có kế hoạch, từ nay trở đi sẽ có lộ trình kế hoạch kiểm tra, giám sát như thế nào khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Thứ hai, khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực. Thứ ba, khi có dấu hiệu vi phạm quy định của Đảng, nhà nước về kê khai tài sản.
"Trong 3 căn cứ nêu trên, chỉ cần một căn cứ là có thể tiến hành kiểm tra chứ không cần phải hội đủ 3 căn cứ mới kiểm tra" - bà Thủy nói rõ.
Về thời gian tới dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch triển khai quyết định của Bộ Chính trị, bà Thủy cho biết việc này do Thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương nhưng quy định ban hành ngày 23-5 và Thường trực Ủy ban chưa họp nên chưa có thông tin gì về việc này.
Trả lời về việc kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ cấp cao nên có lo ngại cho rằng sẽ có chuyện né tránh, thực hiện không được hiệu quả, bà Thủy nhấn mạnh: "Ủy ban Kiểm tra trung ương là cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ, sẽ kiểm tra theo đúng quy định của Đảng và không có vùng cấm, đồng nghĩa với việc không có né tránh".
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Phú Yên, cho rằng: "Tất nhiên quá trình kiểm tra, giám sát đối với người có chức vụ cao sẽ khó khăn, cũng nhạy cảm nhưng nếu quyết tâm thì sẽ làm được".
Theo ông Học, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là công việc thường xuyên. Bộ Chính trị ra quy định về việc kiểm tra, giám sát đối với các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã thể hiện quyết tâm của Đảng và được người dân, dư luận đồng tình ủng hộ. "Cán bộ cấp cao làm gương, làm nghiêm túc rồi tiến hành các đối tượng khác thì sẽ đồng bộ. Thực hiện như thế là trên trước, dưới sau" - ông Học cho hay.
"Vì đây là một trong những vấn đề thể hiện Đảng chúng ta có trong sạch, vững mạnh hay không, Chính phủ có liêm chính vì dân không thì phải bắt đầu từ việc cụ thể, gắn liền với bản thân của mỗi lãnh đạo" - ông Học nói.
Có lãnh đạo có nhiều tài sản nhưng tài sản đó kê khai trung thực, nguồn gốc tài sản hợp pháp thì chúng ta phải tôn trọng, ghi nhận vì tài sản đó có được chân chính chứ không phải thu nhập bất hợp pháp.
"Công khai, minh bạch như thế thì nhân dân đồng tình. Nếu có nhiều tài sản mà kê khai không có gì, thể hiện không trung thực thì phải kiểm tra, giám sát để xem xét, xử lý" - ĐB Học bày tỏ.
Công khai thông tin
Liên quan đến việc quan chức tỉnh Lào Cai trúng đấu giá 6 lô biệt thự, theo ĐB Nguyễn Thái Học, khi báo chí, công luận nêu vấn đề, cử tri quan tâm thì người có trách nhiệm phải công khai thông tin theo trách nhiệm của người quản lý. Báo chí nêu vấn đề là quyền của báo chí và phải chịu trách nhiệm với thông tin mình nêu. Cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm thông tin phản hồi để bảo đảm thông tin đến với người dân, đến với công luận.
Bình luận (0)