Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 29-11, trả lời Báo Người Lao động về việc Thủ tướng đã nghe các bên báo cáo cũng như quan điểm của Chính phủ về dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, việc phát triển các dự án thủy điện nói chung, Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nói riêng, phải đảm bảo 5 yêu cầu có tính nguyên tắc.
5 yêu cầu với thuỷ điện Thứ nhất là phải đảm bảo an toàn. Đây là yêu cầu cao nhất, dù hiệu quả tới đâu mà không đáp ứng được yêu cầu an toàn tính mạng nhân dân thì không được làm. Thứ hai phải đảm bảo để người dân tái định cư từng bước có cuộc sống tốt hơn. Thứ ba là phải đảm bảo không hủy hoại môi trường. Thứ tư là phải bảo đảm hiệu quả. Hiệu quả phải có tính tổng hợp, không chỉ kinh tế mà cả xã hội và môi trường. Thứ năm là phải tuân thủ quy định của pháp luật trong việc lập, thẩm định dự án, thi công xây dựng và vận hành công trình.
Bộ trưởng Đam cũng nêu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường khi khẳng định phải đảm bảo không hủy hoại môi trường.
Bộ trưởng cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường chịu trách nhiệm thẩm định dự án đúng theo các quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định của mình. "Nếu không đạt các yêu cầu nêu trên thì không đầu tư" - Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định quan điểm của Chính phủ và cho biết hiện Bộ Tài nguyên - Môi trường đang thẩm định, chưa trình Thủ tướng.
Trước câu hỏi Chính phủ có dừng 2 dự án thuỷ điện Đồng Nai 6, 6A hay không khi 2 dự án này vi phạm cả Luật Đa dạng sinh học và Luật Di sản văn hóa cũng như có đưa ra Quốc hội xem xét vì lấy gần 130 ha rừng phòng hộ trong khi lấy 50 ha trở lên đã phải xin ý kiến Quốc hội về chủ trương đầu tư, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định với tất cả các dự án thủy điện nói chung, thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A nói riêng, phải được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền.
Về quan điểm của Chính phủ trước vấn đề môi trường là một ưu tiên hàng đầu đối với hầu hết các nước trên thế giới và không có quốc gia nào đánh đổi thiên nhiên, sinh thái và tính mạng người dân để làm thuỷ điện, Bộ trưởng Vũ Đức Đam nêu rõ, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường. Chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành kinh tế đều phải có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC); các dự án đầu tư xây dựng mới phải bảo đảm yêu cầu về môi trường, phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Đối với thủy điện, Bộ trưởng Đam một lần nữa nhấn mạnh, các dự án phải đảm bảo 5 yêu cầu có tính nguyên tắc trong đó có yêu cầu đảm bảo không hủy hoại môi trường. "Việt Nam không bao giờ đánh đổi sinh mạng người dân để làm bất kỳ việc gì và cũng không đánh đổi thiên nhiên, sinh thái vì lợi ích trước mắt. Thủy điện như một tài nguyên thiên nhiên. Nếu công nghệ, điều kiện hiện tại chưa đảm bảo khai thác hiệu quả, ảnh hưởng xấu, lớn tới môi trường thì chưa làm" - ông khẳng định.
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao động rằng ông nhìn nhận như thế nào việc dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A từng bị cáo buộc sao chép ĐTM, không có sự đồng thuận, thậm chí có ý kiến phản đối mạnh từ phía người dân, chính quyền nhiều tỉnh hạ lưu, cũng như giới chuyên môn, trong khi vấn đề thuỷ điện đang rất “nóng bỏng” và Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo Bộ Công thương loại bỏ 107 thuỷ điện không đạt yêu cầu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện là phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật, bảo đảm khoa học, khách quan, trung thực.
"Nếu việc đánh giá thực hiện không đúng quy định thì phải thực hiện lại cho đúng. Tổ chức, cá nhân nào làm không đúng phải chịu trách nhiệm và phải được xử lý thỏa đáng theo quy định" - Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Bình luận (0)