Ngày 18-1, Ban Tuyên giáo trung ương (TGTƯ), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017. Trưởng ban TGTƯ Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng hơn 650 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí trên cả nước đã tham dự hội nghị.
Diễn đàn tin cậy của nhân dân
Trình bày báo cáo tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết năm 2016, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, nhà nước; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân. Đặc biệt, báo chí đã tuyên truyền có chất lượng, hiệu quả, góp phần vào thành công tốt đẹp của Đại hội XII của Đảng; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021…
Báo chí cũng đã tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu công cuộc đổi mới; kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân…
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá hoạt động báo chí vẫn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm, tập trung ở các dạng sai phạm như: thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ; thông tin phiến diện, đăng tải quá nhiều tin tiêu cực, giật gân câu khách, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả chi tiết các hành vi tội ác, mê tín dị đoan…
Đáng chú ý là tình trạng thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Điển hình là việc thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín (asen). Cùng với đó là tình trạng vi phạm về bản quyền báo chí, nhất là ở báo điện tử và báo hình. Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, thậm chí dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật.
Theo Bộ TT-TT, hiện tượng trên nếu không ngăn chặn kịp thời có thể gây mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính.
Phải làm trong sạch đội ngũ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định báo chí đã đồng hành với Chính phủ và đất nước trong năm qua, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Cụ thể, qua phản biện, báo chí giúp Chính phủ ban hành, điều chỉnh những chính sách phù hợp với tình hình đất nước, được người dân ủng hộ.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động báo chí, nhất là việc cung cấp thông tin cho báo chí, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời phải thích ứng việc xử lý các sự cố về thông tin một cách nhạy bén, kịp thời và đúng đắn nhất.
Lắng nghe hội nghị báo cáo, đại diện các cơ quan báo chí trình bày, đóng góp ý kiến, Trưởng Ban TGTƯ Võ Văn Thưởng khẳng định trong năm qua, báo chí cả nước đã nỗ lực vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Hoạt động báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có những bước tiến mới. Nhấn mạnh việc xử lý mạnh tay một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016, ông Võ Văn Thưởng nhìn nhận: “Đó là việc không ai muốn nhưng phải làm, là “sự đau lòng cần thiết” để làm trong sạch đội ngũ và hoạt động báo chí”.
Nhất trí với dự thảo báo cáo và những phương hướng nhiệm vụ mà Ban TGTƯ đưa ra, ông Võ Văn Thưởng lưu ý đến các thách thức đối với báo chí đất nước trong năm 2017. “Đội ngũ phóng viên cần phải cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại. Cơ quan báo chí cần thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận cho phù hợp thực tiễn và hiệu quả với bài toán kinh tế báo chí. Đặc biệt là tránh sự tác động của doanh nghiệp, nhóm lợi ích đến hoạt động báo chí” - ông nhắn nhủ.
“Vụ nước mắm nhiễm asen vừa qua là một ví dụ điển hình; còn nhiều vụ việc lớn hơn nữa nhưng không có hay chưa đủ bằng chứng để xử lý. Một vấn đề khác, đó là những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng, đạo đức đời sống của một bộ phận nhà báo. Đây là điều đáng lo nhất hiện nay” - ông Võ Văn Thưởng cảnh báo.
Siết chặt việc bán kênh, bán sóng, bán manchette
Theo báo cáo của Bộ TT-TT, hiện cả nước có 859 cơ quan báo chí. Trong đó có 86 cơ quan báo chí trung ương, 113 cơ quan báo chí địa phương và 660 tạp chí. Tính đến tháng 9-2016, cả nước có 18.630 nhà báo được cấp thẻ và trên 5.000 phóng viên chưa đủ điều kiện cấp thẻ nhà báo.
Về quản lý báo chí, ông Võ Văn Thưởng cho biết thời gian tới, Ban TGTƯ và các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, xử lý thỏa đáng hoạt động của báo điện tử, các phụ trang báo điện tử, vấn đề bán kênh, bán sóng trên phát thanh - truyền hình, bán manchette với báo in; xem xét sự chi phối của các công ty truyền thông, quảng cáo đối với hoạt động báo chí. “Việc này khó, mất thời gian nhưng không thể không làm. Để lâu sẽ khó làm và ảnh hưởng đến nền báo chí đất nước” - ông nhấn mạnh.
Bình luận (0)