xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không để thất thoát khi khoán xe công

nhóm phóng viên

Đấu giá xe công dôi dư như thế nào? Có nên áp dụng ở tất cả các địa phương?... là những vấn đề cần đặt ra trước khi khoán xe công

Chủ trương siết quản lý, sử dụng ô tô công do Bộ Tài chính đề xuất được dư luận rất đồng tình. Tuy nhiên, không ít người còn băn khoăn về cách tính định mức và hình thức khoán kinh phí sử dụng.

Định mức nới tay!

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng cả 2 phương án do Bộ Tài chính đưa ra đều “hơi thoáng”. Phương án thứ nhất là khoán gọn 6,5 triệu đồng/tháng vào lương (phương án 1). Phương án thứ hai là tính theo quãng đường, nhân với định mức 16.000 đồng/km (phương án 2) và được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng giảm 20%.


Bộ Tài Chính đã thực hiện khoán xe công từ ngày 1-10-2016 Ảnh: TÔ HÀ

Bộ Tài Chính đã thực hiện khoán xe công từ ngày 1-10-2016 Ảnh: TÔ HÀ

Theo ông Ngô Trí Long, nếu tính theo phương án 1, cán bộ ở gần cơ quan thì lãi, ở xa lại thiệt. Tất nhiên, đối với các chức danh có phụ cấp lãnh đạo từ 1,25 trở lên, số tiền này không lớn nhưng có thể gây bận lòng. Còn theo phương án 2 thì mức tính trên cao hơn giá cước taxi hiện hành khoảng 30% (8.000-12.000 đồng/km). Hơn nữa, giá cước vận tải phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu vì chi phí này chiếm 35% nhưng Bộ Tài chính lại đặt vấn đề điều chỉnh đơn giá khi CPI tăng, giảm là không hợp lý.

Chuyên gia kinh tế này đề xuất nếu theo phương án 1 thì không nên cào bằng mà làm phiếu thăm dò hoặc yêu cầu mỗi người nhận khoán kê khai quãng đường để tính giá cước thực tế. Đơn giá tính phải sát giá thị trường, 6 tháng cho điều chỉnh một lần theo biến động giá.

“Không nên có quan điểm rằng mở rộng diện khoán xe công là nhà nước đã có lợi rồi, cần nới tay cho người nhận khoán để dễ thực hiện bởi như thế có thể xảy ra thất thoát ở khâu này. Đã là chi tiêu ngân sách thì phải tiết kiệm và có nguyên tắc. Nếu giảm quyền lợi thì những người nhận khoán cũng phải đồng cam cộng khổ vì bản thân họ được hưởng chế độ sử dụng xe công đã là được ưu đãi” - ông Long nhấn mạnh.

Tiết kiệm được khối tiền

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Mai Xuân Vinh, Trưởng Phòng Quản lý công sản Sở Tài chính Hà Nội, cho biết địa phương này đã thí điểm khoán kinh phí sử dụng xe công từ ngày 1-3. Đáng lưu ý, Hà Nội đã thực hiện cơ chế khoán triệt để vì áp dụng khoán bắt buộc đối với ô tô phục vụ công tác chung chứ không chỉ khoán xe đưa, đón đi làm hằng ngày với các chức danh trước đây được bố trí xe riêng. Hơn nữa, số tiền trả cho các chức danh tự lo phương tiện đi lại được các đơn vị lấy từ chi phí hành chính, ngân sách TP không cấp thêm.

Theo ông Vinh, trung bình kinh phí để “nuôi” một xe công của TP ít nhất cũng trên 10 triệu đồng/tháng. Dự tính, việc khoán kinh phí sử dụng xe công đang áp dụng thí điểm tại 8 đơn vị cấp sở, quận, huyện sẽ giúp TP tiết kiệm khoảng 4 tỉ đồng/năm. Nếu áp dụng trên toàn TP, với khoảng 400 xe công hiện nay sẽ tiết kiệm được khoảng 50 tỉ đồng/năm.

Ông Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk, tán thành việc khoán xe công đưa đón chức danh nhằm giảm chi ngân sách, hạn chế sử dụng xe công sai mục đích. “Việc đưa đón lãnh đạo từ nhà lên cơ quan là không cần thiết, các cán bộ cứ chủ động tìm phương tiện riêng. Thế nhưng, tùy vào đặc thù của địa phương để có những phương án phù hợp. Nhiều nơi thường xảy ra thiên tai, nếu không có xe phục vụ công tác phòng chống sẽ rất khó khăn. Cự ly giữa các huyện rất xa, có khi hơn 100 km, rất khó cho cán bộ công tác” - ông Y Biêr Niê nói.

Ông Nguyễn Trung Quản, Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng việc khoán xe công nếu không nghiên cứu kỹ cũng sẽ mang lại hệ lụy rất nhiều. Ví dụ, ở các tỉnh miền Trung, thiên tai, bão lũ rất nhiều, nếu không có xe công đi công tác sẽ rất khó khăn.

Theo ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, có nhiều vấn đề sẽ phải tiếp thu, điều chỉnh sau thời gian lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan.

Đấu giá công khai

Ông Nguyễn Văn Phụng, Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng, cho rằng khi khoán xe công, TP Đà Nẵng sẽ có 2 phương án để giải quyết xe dôi dư: điều đến các đơn vị còn tiêu chuẩn nhận xe và bán đấu giá.

Thông thường, việc bán xe công tại Đà Nẵng sẽ được giao cho trung tâm thẩm định tài sản đưa ra mức giá sàn cụ thể. Sau đó, thông tin đấu giá sẽ được đưa lên các phương tiện truyền thông để cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua tham gia. Việc bán đấu giá xe công ở Đà Nẵng do Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá TP Đà Nẵng (trực thuộc Sở Tài chính) đảm nhận. “Không có chuyện bán chiếc xe có trị giá vài trăm triệu đồng thành vài chục triệu đồng. Thực tế, xe bán đấu giá luôn vượt giá sàn đã được thẩm định” - ông Phụng khẳng định. B.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo