Phóng viên: Thưa ông, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) vừa được Chính phủ gửi cơ quan thẩm tra là Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội có đề xuất nâng thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ lên 24 tháng. Theo ông, có phù hợp trong tình hình hiện nay?
- Ông Lê Việt Trường: Theo tờ trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) của Chính phủ có đề xuất quy định thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ lên 24 tháng để bảo đảm thống nhất việc duy trì 2 thời hạn theo luật hiện hành. Cụ thể, trong khi lực lượng bộ binh học 18 tháng thì tiểu đội trưởng phải học 24 tháng để nhận biết các chức trách chuyên ngành của một số quân binh chủng theo đòi hỏi yêu cầu cao hơn về kỹ thuật. Việc thống nhất 24 tháng theo lập luận của Chính phủ là nhằm chấm dứt việc 2 thanh niên cùng làng nhưng người đi nghĩa vụ quân sự 18 tháng, còn người kia là 24 tháng. Chính phủ không chọn phương án cùng 18 tháng với lý do hiện nay, quân đội được trang bị nhiều vũ khí hiện đại, cần có đủ thời gian huấn luyện cũng như xây dựng kỹ năng chiến thuật, bản lĩnh cho thanh niên.
Tuy nhiên, trong xu hướng chung trên thế giới thì việc nâng lên 24 tháng theo đề xuất của Chính phủ là chưa thuyết phục. Cá nhân tôi cho rằng mức chung là 18 tháng, còn tốt nhất là 12 tháng song khó khả thi.
Các nước có bối cảnh về kinh tế - xã hội tương tự như Việt Nam thì thường áp dụng bao nhiêu tháng?
- Các nước áp dụng rất khác nhau nhưng họ có quy định nghĩa vụ quân sự giống Việt Nam thì xu hướng chung là rút xuống 18 tháng, 12 tháng, cá biệt có nước là 9 tháng.
Việc kéo dài 24 tháng có làm nặng thêm ngân sách chi cho quốc phòng? Chính phủ có tính toán vấn đề này?
- Thời gian nuôi quân dài hơn thì tất nhiên chi phí tăng lên, lại phải trả thêm phần trợ cấp kéo dài sau khi ra quân. Tôi chưa thấy Chính phủ đề cập rõ khoản chi phí phát sinh này.
Thay vì kéo dài thời hạn nghĩa vụ quân sự, có nên tính tới việc nâng chất lượng đào tạo và huấn luyện?
- Theo tôi, cần thay đổi ngay quan điểm tuyển quân. Quy định chung là tất cả mọi người trong độ tuổi từ 18 - 25 thì phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thế nhưng hiện nay, khi một thanh niên đậu đại học, cao đẳng là tránh được đi nghĩa vụ. Vì vậy, tôi kiến nghị Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nên quy định thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ ngắn nhưng “ai cũng phải đi bộ đội”.
Đặc biệt, đối với những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng mà tuyển được vào quân đội thì càng tốt nhưng chỉ cần huấn luyện 10 tháng là đủ. Như lực lượng công binh mà tuyển quân là sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Xây dựng hay Trường ĐH Giao thông Vận tải thì không cần đào tạo kiến thức chuyên môn mà chỉ huấn luyện kỹ năng, đào tạo sâu thêm về công trình quốc phòng, hệ thống phòng thủ… Về chuyên môn thì quân số này còn giỏi gấp mấy lần anh tiểu đội trưởng công binh đào tạo trong quân đội. Hay một người tốt nghiệp cao đẳng ngành y mà vào quân ngũ là y tá đại đội thì quá tuyệt vời. Chiến sĩ này sau thời gian thực hiện nghĩa vụ, một mặt sẽ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; một mặt, hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc. Như hiện nay, tuyển quân tới 80% là thanh niên nông thôn không thi đỗ đại học, cao đẳng. Số này rất mất công huấn luyện.
Đi 18 tháng, bộ đội không đáp ứng được thời chiến
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, cho rằng trong tình hình đất nước và thế giới hiện nay, việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng là hợp lý. “Theo kinh nghiệm của tôi, chiến sĩ huấn luyện trong 18 tháng thì không đủ thời gian để rèn luyện sức khỏe, chiến thuật; tinh thông vũ khí, khí tài, bản lĩnh. Khi vào thời chiến thì họ không thể bảo đảm yêu cầu, nhất là chiến tranh hiện đại như ngày nay” - Trung tướng Thước nói.
Về việc khu biệt một số lực lượng như hải quân, không quân, phòng không, Trung tướng Thước còn đề nghị nâng thời gian lên và đặc biệt nâng chất lượng đào tạo, huấn luyện.
Bình luận (0)