Các bên đã thống nhất dừng nhận chìm, đưa bùn cát lên bờ lấn biển theo đề xuất của Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Thuận trước đó.
Phương án này được Bộ TN-MT và UBND tỉnh Bình Thuận trình Chính phủ từ ngày 31-7, trong đó trước mắt cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét vào khu vực dự trữ của cảng tổng hợp Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Đây là nơi dự kiến đổ vật chất từ hoạt động nạo vét của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 4 để bảo đảm tiến độ của dự án theo thỏa thuận của Chính phủ Việt Nam với nhà đầu tư, tránh để nhà đầu tư khởi kiện và bảo đảm được vấn đề an ninh năng lượng cho khu vực phía Nam. Vị trí này có thể tiếp nhận ngay khoảng 1,1 triệu m3.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp nghe Bộ TN-MT báo cáo về phương án xử lý gần 1 triệu m3 bùn, cát nạo vét
Theo Lãnh đạo Bộ TN-MT, phương án đưa vật chất san lấp cảng tổng hợp Vĩnh Tân chỉ là phương án giải quyết tình thế vì khối lượng nạo vét bùn thải luôn phát sinh hằng năm. Chưa kể phương án này chỉ là Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 "tạm ứng" chỗ đổ bùn nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4.
Về lâu dài, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan cần tiếp tục nghiên cứu bài bản và khoa học các phương án khác. Trong đó, có cả việc tiếp tục nhận chìm vật chất xuống biển nhưng phải chọn vị trí thích hợp và không tác động xấu đến khu bảo tồn Hòn Cau.
Cảng tổng hợp Vĩnh Tân là một trong những công trình cảng biển trọng điểm quốc gia, có tổng mức đầu tư hơn 2.292 tỉ đồng. Dự án này do Công ty CP Cảng tổng hợp Vĩnh Tân làm chủ đầu tư, thời hạn hoạt động 70 năm. Dự án có tổng diện tích hơn 141 ha diện tích mặt nước, trong đó khoảng 51 ha diện tích mặt nước dùng để san lấp phục vụ xây dựng kho bãi, hạ tầng giao thông nội bộ và dịch vụ cảng.
Bình luận (0)