xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Không "nhận chìm vật chất" xuống biển

Phương Nhung - Nam Phương - Kỳ Nam

Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận phương án không nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải nạo vét xuống biển mà đưa vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân

Một nguồn tin của Báo Người Lao Động chiều 9-8 cho biết Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa thống nhất phương án do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất. Theo đó, sẽ đưa toàn bộ khối lượng vật chất gần 1 triệu m3 của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vào khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân thay vì nhận chìm xuống vùng biển Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) như đã cấp phép.

Đang trình Chính phủ

Khu vực đổ chất nạo vét dự kiến là nơi san lấp cho khu neo trú tàu thuyền. Phần diện tích này trước đó Công ty Cổ phần Cảng tổng hợp Vĩnh Tân đã thỏa thuận, đồng ý cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) đổ bùn cát nạo vét.

Một nguồn tin khác cho hay trên cơ sở thỏa thuận giữa Bộ TN-MT và tỉnh Bình Thuận, bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất nạo vét xuống khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân, trong phần diện tích mà đơn vị này đã thỏa thuận dự kiến cho đổ vật chất nạo vét của dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4. Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương trao đổi với các bên liên quan trong tháng 8-2017 thống nhất được phương án để Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ vật chất ở vị trí đã nêu, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

Về giải pháp lâu dài, Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch các vị trí cần sử dụng vật chất nạo vét để san lấp, lấn biển, chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đánh giá các mặt về cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh tế - xã hội để sử dụng vật chất nạo vét san lấp, lấn biển, chống xâm thực, sạt lở bờ biển.

Trong khi đó, đến chiều 9-8, đại diện EVN cho biết vẫn chưa nhận được thông tin Bộ TN-MT và tỉnh Bình Thuận thỏa thuận với EVN về việc cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ bùn ở cảng tổng hợp Vĩnh Tân của tập đoàn.

Không nhận chìm vật chất xuống biển - Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chấp thuận không đổ gần 1 triệu m3 chất nạo vét xuống biển gần Khu Bảo tồn Hòn Cau Ảnh: HUỲNH TUẤN

Phương án hợp lý

Ngay sau khi nghe thông tin nêu trên, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Tác An - nguyên Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Hải dương học liên Chính phủ của Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang - cho rằng đây là điều đáng mừng, phù hợp với thực tiễn.

"Ở đây không phải là "đấu tranh" mà là trong nhiều phương án thì cuối cùng cũng tìm được một phương án hợp lý. Giải pháp này được cơ quan chức năng cân nhắc và thấy được tính hợp lý của nó về mọi phương diện. Dư luận xã hội và nhà khoa học như chúng tôi rất hoan nghênh" - TS Nguyễn Tác An bày tỏ.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tác An, cơ quan chức năng cần có sự giám sát, kiểm soát chặt chẽ để tránh việc làm lệch hướng chỉ đạo của Bộ TN-MT và tỉnh Bình Thuận. Riêng đề xuất tận dụng chất nạo vét để bồi đắp sạt lở, theo TS An, đây là một giải pháp mà nhiều nước vẫn làm. Tuy nhiên, muốn thực hiện thì phải dựa vào căn cứ khoa học, kinh tế - xã hội, có dự án với những tính toán cẩn thận.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Chi, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - người có tiếng nói mạnh mẽ về dự án "nhận chìm vật chất" ở biển Vĩnh Tân, cho rằng việc Bộ TN-MT thống nhất với tỉnh Bình Thuận như thế là điều quá tốt. "Dự án này ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, đời sống ngư dân, diêm dân quanh vùng. Nhiều dự án khi thực hiện bị người dân phản đối rồi nảy sinh hàng loạt rắc rối. Tôi nghĩ rằng đây là động thái tốt, biết sai mà sửa là điều quá tốt" - ông Chi nêu ý kiến.

MỐI LO "GÁC CỬA" MÔI TRƯỜNG

"Số phận" gần 1 triệu m3 chất nạo vét cuối cùng đã được định đoạt khi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cùng các cơ quan liên quan và tỉnh Bình Thuận tìm được tiếng nói chung.

Thay vì được đổ xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước, khối lượng vật chất đã được đưa vào nơi khó có thể gây ô nhiễm cho vùng biển này là khu vực cảng tổng hợp Vĩnh Tân. Quyết định này đã chấm dứt hơn 1 tháng giới chuyên môn và dư luận cả nước nóng lên bởi vấn đề môi trường hệ trọng.

Nguồn cơn bắt đầu từ giấy phép mà bộ quản lý cao nhất về môi trường cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét từ bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Theo đó, khối lượng gần 1 triệu m3 sẽ được đổ xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau.

Thông tin vừa phát đi đã khiến nhiều chuyên gia về môi trường cùng dư luận đứng ngồi không yên. Là khu bảo tồn biển quý của cả nước, Hòn Cau hiện có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của nhiều loại tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Ngoài ra, Hòn Cau còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.

Chính vì thế, việc Bộ TN-MT "bật đèn xanh" cho đổ lượng chất nạo vét xuống vùng biển gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau đã gây lo ngại có thể đe dọa môi trường sinh thái quý hiếm nơi đây. Càng lo hơn khi nhiều nhà khoa học bị mạo danh tham gia thẩm định dự án của đơn vị tư vấn.

Phản biện của giới chuyên môn, công luận cùng ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đưa đến quyết định "không vì phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường", giải tỏa mối đe dọa với Khu Bảo tồn biển Hòn Cau. Cho dù vị "tư lệnh" lĩnh vực môi trường đã trần tình rằng cấp phép không có nghĩa đã được nhận chìm ngay song có thể đặt câu hỏi là nếu không có sự phản biện mạnh mẽ thì liệu bộ có quyết định vì môi trường?

Vụ gần 1 triệu m3 chất nạo vét làm nhớ lại sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung nghiêm trọng do Formosa gây ra. Phần xả thải của dự án này cũng do Bộ TN-MT cấp phép với hàng loạt "dấu kiểm định" đỏ chót. Song, ngay khi chưa đi vào vận hành chính thức, dự án Formosa đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử nước ta. Những quan chức của Bộ TN-MT chịu trách nhiệm khi cấp phép cho dự án Formosa đã bị xử lý kỷ luật nhưng hậu quả mà họ để lại thì vô cùng nặng nề. Công tác khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung còn đang tiếp tục, vậy mà lại xảy ra vụ cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải.

Bởi thế, nhiều người có thể thở phào khi gần 1 triệu m3 chất thải không còn khả năng đe dọa môi trường Khu Bảo tồn Hòn Cau song có lẽ vẫn còn đó canh cánh nỗi lo về vấn đề "gác cửa" môi trường.

PHẠM DƯƠNG

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo