Sáng nay (1-11), khi thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án..., nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm nhiều đến việc thiếu thuốc độc để thi hành án tử hình, dẫn tới một lượng lớn án tử hình đang tồn đọng.
Theo Nghị định về thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc có hiệu lực từ 1-11-2011, thuốc tiêm được sử dụng khi thi hành án gồm: gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp; và ngừng hoạt động tim. 3 loại tân dược này do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. Việc tiêm thuốc độc được tiến hành tự động bằng máy. |
“Làm luật mà không tính ra việc bí thuốc độc dẫn đến trên 400 trường hợp án tử hình vẫn phải chờ” – ông Hà tỏ ra gay gắt. Theo đại biểu này, tình trạng thiếu thuốc độc thi hành án tử hình dẫn đến việc thực hiện pháp luật không nghiêm, mất tính nghiêm minh của pháp luật, gây áp lực cho các trại giam, cơ quan chức năng, và ngay chính người bị lãnh án cùng người thân, còn xã hội thì lo lắng.
Trước quan tâm và băn khoăn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc nhập thuốc độc để thi hành án tử hình là rất khó khăn vì phía Châu Âu, nơi sản xuất chủ yếu, rất "chống" việc các nước nhập thuốc độc để thi hành án tử hình mà chỉ cho phép nhập để chữa bệnh. "Hiện chúng tôi đang cùng Bộ Công an tiến hành nghiên cứu để từng bước sản xuất thuốc độc ở trong nước để phục vụ công tác này” – bà Tiến cho biết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, hiện số tử tù trong cả nước đang chờ thi hành án lên đến gần 500 người. "Nhiều tử tù làm đơn xin được chết sớm vì không muốn kéo dài cuộc sống, một số người đã chết trong trại giam vì bệnh tật và chờ đợi thi hành án quá lâu. Các giám thị gặp nhiều khó khăn và áp lực khi giám sát những người này" - ông Sơn cho hay.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, có thể đến tháng 5 hay tháng 6-2013 mới có thuốc độc nhưng sẽ phải mất thêm thời gian để thử nghiệm trước khi thực hiện. "Nếu không thi hành được việc tiêm thuốc độc thì không thể kéo dài mãi tình trạng này. Như vậy sẽ không mang tính răn đe và giáo dục..." - ông Sơn nói.
Theo Luật Thi hành án hình sự (có hiệu lực từ ngày 1-7-2011), việc thi hành án tử hình sử thay đổi hình thức từ xử bắn sang tiêm thuốc độc tử tù. Do chưa nhập được thuốc độc, nên việc thi hành án tử hình với những bản án đã có hiệu lực pháp luật đã bị đình hoãn từ đó.
Trong khi đó, theo Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an, mỗi năm phạm nhân bị thi hành án tử hình tăng 80 - 100 người. Các tử tù chủ yếu phạm tội giết người cướp tài sản và buôn bán ma túy.
Bình luận (0)