Việc tàu Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam để cản trở, phá hoại các hoạt động thăm dò bình thường của Việt Nam đã gây ra lo ngại sâu sắc. Biển Đông một lần nữa lại “dậy sóng”. Có thể thấy một cách rất rõ rằng những hành động trên của Trung Quốc là “hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng”.
Hành động được tính toán kỹ lưỡng của tàu Trung Quốc diễn ra vào lúc nước này đang muốn hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn gọi là “đường chữ U”, “đường 9 đoạn”... được chính thức công khai lần đầu tiên vào tháng 5-2009. Tên gọi khác nhau nhưng yêu sách chỉ một, đó là đòi tới 80% diện tích của biển Đông.
“Đường lưỡi bò” có nơi được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Brunei; thậm chí nơi gần chỉ cách bờ có 50 km. Đó là một yêu sách không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý và không đúng với Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Liên tục cho tàu xâm phạm thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, tiến hành các hoạt động quấy rối, phá hoại chỉ trong một thời gian ngắn là hành động mang tính hệ thống nhằm biến vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo UNCLOS năm 1982 - một khu vực không có tranh chấp - thành khu vực có tranh chấp.
Việt Nam không thể và không bao giờ chấp nhận điều đó.
Ngày 8-6, phát biểu tại lễ mít tinh quốc gia nhân ngày Đại dương Thế giới và Tuần lễ Biển, Hải đảo Việt Nam năm 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ từ bao đời nay, tiếp nối liên tục qua rất nhiều thế hệ, ông cha ta đã đổ biết bao công sức, máu xương để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
“Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình” - Thủ tướng khẳng định.
Bình luận (0)