Rất may, sự cố mới nhất ra rạng sáng 28-12 không gây thiệt hại về người, dù cả giàn giáo sắt thép cùng bê-tông đổ sập xuống trước mũi chiếc taxi có 4 người ở bên trong và 1 thanh sắt lớn rơi xuống làm bẹp mui xe. Nhìn vào hiện trường ngổn ngang sau sự cố sập giàn giáo xây dựng đường sắt trên cao, càng thấy việc không có tổn thất về sinh mạng là vô cùng may mắn.
Điều đáng nói là sự cố nghiêm trọng trên xảy ra chưa đầy 2 tháng sau sự cố đặc biệt nghiêm trọng dẫn tới chết người tại công trình này. Sự cố ngày 6-11 vừa qua đã làm một chiến sĩ công an tử nạn cùng 2 người đi đường khác bị thương. Hơn nữa, vị trí xảy ra 2 sự cố nghiêm trọng khi thi công tuyến đường sắt trên cao trong thời gian chưa đầy 2 tháng chỉ cách nhau trên 100 m.
Sau sự cố đặc biệt nghiêm trọng ngày 6-11, việc thi công tuyến đường sắt trên cao đã phải dừng lại khoảng chục ngày để điều tra, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục nhằm khi thi công trở lại phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Vậy mà chỉ mới thi công lại hơn 1 tháng, công trình xây dựng đường sắt trên cao lại xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Khi cho phép tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông thi công trở lại, Bộ Giao thông Vận tải đã liên tục nhấn mạnh việc phải bảo đảm an toàn giao thông cũng như an toàn lao động... Thế nhưng, theo đánh giá sơ bộ của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng, giàn giáo chống thi công để đổ-bê tông không bảo đảm an toàn dẫn đến sập trong khi thi công.
Nói cách khác, dù có đầy đủ “ban bệ” hùng hậu, từ ban quản lý dự án tới tư vấn giám sát, giám sát thi công..., thì “con voi” không bảo đảm an toàn vẫn cứ thoải mái chui qua “lỗ kim” kiểm tra, giám sát. Sự cố liên tiếp xảy ra trong thi công đường sắt trên cao là không thể chấp nhận. Càng không thể chấp nhận hơn khi cả bộ máy ban quản lý, thiết kế thi công, giám sát... ngốn khoản tiền không nhỏ của dự án mà vẫn để sự cố nối tiếp nhau.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng có lẽ là một trong những vị tư lệnh ngành “trảm” nhiều tướng nhất. Dự án chậm trễ, “trảm” trưởng ban quản lý; thi công bầy hầy, “trảm” nhà thầu... Song, với những sự cố không thể chấp nhận tại dự án đường sắt trên cao thì có “trảm” thêm ai đó cũng vẫn là cần thiết.
Tuy nhiên, dù vị tư lệnh lĩnh vực giao thông có loại bỏ, cắt chức... bao nhiêu cán bộ, nhà thầu thì xem ra vẫn chỉ giải quyết được phần ngọn. Điều quan trọng là phải làm sao xây đắp được phần cội rễ chuyên nghiệp, trách nhiệm cùng sự minh bạch, công khai, nếu không e sẽ còn phải “trảm” - một hình thức xử lý hậu quả không mong muốn - dài dài.
Bình luận (0)