Thảo luận tại tổ chiều 3-6 về đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng thuận cần có một quy hoạch chung để tạo điều kiện cho xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long: Tung ra quy hoạch thủ đô khiến giá đất đai Ba Vì tăng vọt. Ảnh: HÀ THÀNH
Không nên tách rời hành chính – chính trị
“Tôi không đồng tình tách trung tâm hành chính khỏi trung tâm chính trị như trong đồ án. Cũng có nước tách như vậy, thậm chí đặt ở những TP khác nhau nhưng thể chế chính trị họ khác ta”. Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH Lê Quang Bình (Thanh Hóa) thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Đây cũng là điều rất nhiều ĐBQH cho rằng “không hiểu nổi”.
Là người lính từng đóng quân ở chân núi Ba Vì, ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cho rằng nơi đó phòng thủ tốt nhưng làm trung tâm hành chính không ổn vì chỉ phù hợp với yêu cầu quốc phòng. Ông phân tích: “Trung tâm chính trị quyết định trung tâm hành chính nhưng trung tâm hành chính thể hiện quyền lực của trung tâm chính trị.
Ở thủ đô thì trung tâm chính trị đồng thời cũng là trung tâm hành chính, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương của một nước”. ĐB Phạm Minh Toàn (Quảng Ngãi) cho rằng trong các cơ quan đầu não Trung ương về chính trị thì Chính phủ là một bộ phận quan trọng, vì thế không thể tách rời.
Đối với cơn sốt đất sau khi có quy hoạch thủ đô, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) thẳng thắn đặt vấn đề: “Tôi muốn đặt câu hỏi là khi xây dựng quy hoạch này có dự liệu được sự rối ren về đất đai không? Dân cũng hỏi là liệu có ông nào có mấy trăm hecta đất ở đó, để rồi mở cái quy hoạch ra mà trục lợi?”.
Chung suy nghĩ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Trần Đình Long thắc mắc: “Có phải quy hoạch này nằm trong ý tưởng của những người đã mua đất đai, xây tường bao kín trên Ba Vì? Tất nhiên không ai thừa nhận nhưng cứ tung ra để rồi làm cho giá đất Ba Vì lên. Có phải vậy không?”.
Lo tư duy nhiệm kỳ
Nhiệm kỳ QH này chỉ có 4 năm (các nhiệm kỳ trước 5 năm) nhưng thông qua toàn chuyện quan trọng như thủy điện Lai Châu, điện hạt nhân Ninh Thuận, nay lại là đường sắt cao tốc Hà Nội - TPHCM với vốn đầu tư 56 tỉ USD, quy hoạch thủ đô 90 tỉ USD. Chỉ riêng hai dự án mới này cũng đã cần hơn 150 tỉ USD thì không biết lấy tiền ở đâu mà thực hiện?” - ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) lo ngại.
Chia sẻ vấn đề này, ĐB Ngô Minh Hồng (TPHCM) cũng cho rằng: “Vốn đầu tư lấy từ ngân sách hoặc đi vay thì rất đáng lo vì nhiều vùng cần đầu tư để phát triển hạ tầng căn bản. Nếu phát triển không đồng đều giữa các vùng sẽ làm tăng khoảng cách giàu nghèo. Vấn đề này hiện nay chúng ta đang phải trả giá”.
Nhìn ở góc độ khác, ĐB Lê Quang Bình nêu thực tế ở nước ta hay quy hoạch một đằng, làm một nẻo. “Ông nào lên cũng muốn thay đổi. Thay đổi một tí nhằm để lại dấu ấn. Đó là tư duy nhiệm kỳ”.
Sau khi bày tỏ lo ngại như vậy, ông Bình kiến nghị khi đã có quy hoạch chi tiết thì phải có văn bản để “không có ông nào lên lại thay đổi mà phải làm đúng quy hoạch chi tiết đã phê duyệt trước”.
ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) thẳng thắn: “Xem sơ đồ tôi không thấy tính khả thi. Tôi kiến nghị để QH khóa XIII quyết định vì cảm thấy thông qua tại kỳ này hơi vội mà càng vội thì càng thiếu chính xác”.
Hôm nay (4-6), QH thảo luận tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011; dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 66 về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình QH quyết định chủ trương đầu tư và dự án Luật Tố tụng hành chính.
Kiện hành chính không cần qua thủ tục khiếu nại
Trình bày nội dung dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước QH ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn số liệu để chứng minh tính cần thiết phải ban hành luật: cả nước có khoảng 77.457 ca mắc bệnh ung thư/năm, trong đó 80% nguyên nhân do môi trường sống, 5% do gien di truyền.
Từ năm 2004-2008, có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người mắc và 321 người tử vong. Người tiêu dùng còn bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng khi mua xăng dầu vì sai số đo lường bình quân khoảng 5%.
Một trong những nội dung quan trọng của dự án Luật Tố tụng hành chính được trình bày trước QH cùng ngày là người dân có thể khởi kiện vụ án hành chính không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại. Đối với dự án Luật Viên chức, đã có bước đổi mới trong quá trình cải cách chế độ công vụ là tách nhóm viên chức ra khỏi nhóm cán bộ, công chức.
T.Hà |
Bình luận (0)