Tại buổi họp báo chiều 23-8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết bộ nhận được văn bản góp ý đề án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 - tầm nhìn 2050 của UBND TP ngày 19-8 và đang nghiên cứu để phản hồi.
Người dân Hà Nội xem triển lãm quy hoạch xây dựng thủ đô
Dựa theo hồ sơ, tên gọi cũ
Trong văn bản gửi Thủ tướng, UBND TP Hà Nội cho rằng không nên đặt trung tâm hành chính quốc gia (TTHCQG) tại Ba Vì. Theo UBND TP, về mặt không gian, Ba Vì không đủ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, lịch sử, truyền thống, thể chế chính trị và khả năng tiếp cận các loại hình giao thông...
Về việc xây dựng trụ sở cơ quan, ban ngành của Chính phủ, UBND TP Hà Nội đề xuất hai địa điểm là phía Tây hồ Tây và khu vực kề cận Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Mỹ Đình.
Theo UBND TP, hai khu vực này có đủ quỹ đất để xây dựng tổ hợp công trình mới hiện đại, liên kết nơi làm việc của Chính phủ và trung tâm chính trị tại Ba Đình.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng cho rằng khi đã không xây dựng TTHCQG tại Ba Vì thì việc xây dựng trục Thăng Long là không có ý nghĩa về công năng và hiệu quả kinh tế - chính trị - xã hội. Nếu trục này được hình thành sẽ phá vỡ ý tưởng “hành lang xanh” vì có rất nhiều khu đô thị bám theo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Toàn cho rằng góp ý của Hà Nội là chưa phù hợp, chỉ dựa trên những hồ sơ, tên gọi cũ.
“Văn bản của Hà Nội có hai vấn đề nhạy cảm là TTHCQG và trục Thăng Long. Tôi khẳng định kể từ ngày 15-6, khi Chính phủ báo cáo tại Quốc hội, vấn đề này đã không còn được nhắc lại hoặc bàn cãi nữa. Tức là Hà Nội góp ý về một vấn đề không có thực, không tồn tại nữa” - ông Toàn nói.
Theo ông, TTHCQG trong đề án mới đã được ấn định nằm tại khu vực Ba Đình và một số khu vực khác ở nội thành Hà Nội. Ba Vì được xác định chỉ là đất dự trữ và sẽ do Hà Nội quản lý để xây dựng công trình văn hóa.
Ngoài ra, theo ông Toàn, trục Thăng Long không còn trong đề án mới mà đã đổi tên thành tuyến Hồ Tây - Ba Vì.
Tương lai, đô thị Hòa Lạc sẽ có khoảng 600.000 dân, đô thị Sơn Tây có 180.000 người nên việc xây dựng tuyến Hồ Tây - Ba Vì là rất cần thiết.
Ông Toàn cho biết đề án cơ bản đã xong, mới trình Hội đồng Thẩm định cấp Nhà nước và dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2010.
Do không trao đổi trước với Bộ Xây dựng nên nội dung góp ý của UBND TP Hà Nội có phần chưa chuẩn xác.
“Xét về quy định thủ tục hành chính, việc gửi văn bản của Hà Nội cũng chưa được đúng lắm” - ông Toàn nhận xét.
Băn khoăn mô hình triệu USD
Một vấn đề cũng khiến dư luận rất quan tâm là sự cần thiết của mô hình quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Bộ Xây dựng “nhập” từ Trung Quốc có giá trên 3 triệu USD.
Mô hình gồm 14 mô hình khác, trong đó có 2 mô hình lớn (600 - 700 m2/cái) và 12 mô hình nhỏ (40 - 50 m2/cái) được làm bằng đồng, mica và gỗ do Công ty Tinh Vũ - Trung Quốc sản xuất.
Mô hình này sẽ được trưng bày tại Cung Quy hoạch Quốc gia ở Mỹ Đình vào đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
“Số tiền bỏ ra mua mô hình có nằm trong hợp đồng tư vấn không? Tại sao đồ án quy hoạch chưa được Thủ tướng phê duyệt mà bộ đã “nhập khẩu” mô hình?”.
Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết số tiền hoàn toàn được tài trợ, không nằm trong hợp đồng tư vấn.
Trong đó, Công ty Tinh Vũ tài trợ 350.000 USD, Công ty POSCO tài trợ 2,8 triệu USD.
“Có ý kiến cho rằng Bộ Xây dựng cầm đèn chạy trước ô tô nhưng phải khẳng định việc có mô hình là cần thiết” - ông Toàn nói.
Theo ông, quy hoạch không gian là quy hoạch vật thể, nếu chỉ có bản vẽ thì khó hình dung mà cách làm khoa học là phải có bản vẽ và mô hình.
Tuy nhiên, mô hình POSCO tài trợ cũng là mô hình nghiên cứu, quy hoạch chung với tỉ lệ 1/10.000 và 1/25.000 nên chưa thể phản ánh chính xác, chi tiết.
“Sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án, mô hình có thể sẽ thay đổi và chúng tôi sẽ điều chỉnh trên chính mô hình đó” - ông Toàn cho biết.
Bình luận (0)