Tâm điểm chú ý của thông tin trên thị trường xăng dầu hiện nay là sự vênh nhau giữa số liệu tính toán của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) - doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần chi phối. Để làm sáng tỏ vấn đề này, 3 đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để bắt tay vào công việc từ ngày 26-9. Thời gian kiểm tra dự kiến là 10 ngày.
Có dấu hiệu gian lận
Bộ Tài chính cho biết quyết định kiểm tra tại các DN xăng dầu được ban hành trên cơ sở phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại một số DN. Đợt kiểm tra cũng rà soát các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh của các DN làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, các tổ kiểm tra sẽ rà soát kết quả sản xuất, kinh doanh xăng dầu của DN đến thời điểm lập báo cáo kế toán gần nhất với thời điểm kiểm tra; kiểm tra việc chấp hành các quy định về trích và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến hết ngày 15-9.
Minh bạch giá bán xăng dầu là đòi hỏi cấp thiết của người tiêu dùng. Ảnh: HỒNG THÚY
Theo phân công của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, đoàn công tác do Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN Lê Hoàng Hải làm trưởng đoàn kiểm tra tại Petrolimex, đoàn do Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Thanh Hương làm trưởng đoàn thực hiện kiểm tra tại Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) và đoàn còn lại do một trưởng phòng Cục Tài chính DN kiểm tra tại 2 DN còn lại ở phía Nam.
Các tổ kiểm tra làm việc trực tiếp với các DN để xác định giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho tính đến ngày 26-8, giá nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 1-1 đến hết ngày 15-9. Theo Bộ Tài chính, DN kinh doanh xăng dầu cũng là đối tượng được thanh tra trong kế hoạch thanh tra năm 2012.
Làm rõ doanh nghiệp lỗ hay lãi
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực giá cả thị trường, bình luận đây chỉ là một đợt kiểm tra đột xuất tại các DN đầu mối theo đúng chức năng của Bộ Tài chính. Mục tiêu của đợt kiểm tra này là làm rõ DN lỗ hay lãi tại thời điểm kiểm tra, cụ thể mức lỗ, lãi bao nhiêu. Trên cơ sở đó cũng làm rõ nguyên nhân vì sao lỗ, có phải như DN nói kinh doanh lỗ do bị Nhà nước áp đặt giá bán, không cho tăng giá hay không.
Theo chuyên gia này, công thức tính giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu quá phức tạp, có nhiều thành phần mang tính chất biến động. Ngay cả việc tính giá thế giới nhập khẩu theo giá tại thị trường Singapore cũng chưa chuẩn mà phải áp dụng ngay giá hải quan. Minh bạch giá xăng dầu nhưng tính theo công thức phức tạp như hiện nay thì những người soi giá có khi như nhìn vào bức vách. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước tự tính giá, trên cơ sở đó ban hành khung giá trần, giá sàn để DN bán theo có thể là phương án thích hợp hơn.
Một chuyên gia kinh tế bình luận trong thời điểm này, Bộ Tài chính chỉ dừng lại ở hành động kiểm tra là đã “nương tay”, vì hoạt động của DN kinh doanh xăng dầu từ đầu năm có nhiều khó khăn. Nếu sử dụng công cụ khác là thanh tra tài chính, DN sẽ rất “đau đầu ” vì bị soi kỹ hơn, khi phát hiện sai phạm sẽ kiến nghị biện pháp xử lý. Thậm chí nếu tình hình căng thẳng, Bộ Tài chính cũng có quyền thuê kiểm toán độc lập vào kiểm toán các DN xăng dầu.
Ông Nguyễn Lộc An thi toán quốc tế năm 1982? Nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết ngay sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ tại trụ sở Bộ Công Thương ngày 21-9 (một ngày sau khi diễn ra hội thảo), Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã gọi ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, trực tiếp lên gặp bộ trưởng để báo cáo các thông tin ông An nói trong hội thảo. Sau đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng yêu cầu ông Nguyễn Lộc An báo cáo cụ thể bằng văn bản, gửi bộ trưởng vào ngày 26-9. Tại hội thảo về cơ chế điều hành giá xăng dầu do Bộ Tài chính chủ trì ngày 20-9, ông Nguyễn Lộc An nói: “Khi nhận được quyết định giảm giá của Bộ Tài chính tôi hơi giật mình và nghĩ Bộ Tài chính bị làm sao, vì tính theo giá nhập khẩu 30 ngày thì DN kinh doanh xăng dầu đang lỗ… Tôi tuy không giỏi toán lắm nhưng có đi thi toán quốc tế, nhưng không hiểu toàn tính ngược thế nào nên bỏ lỡ rất nhiều cơ hội điều chỉnh giá, trong đó có giảm giá...”. Vừa kết thúc hội thảo, PGS-TS Ngô Trí Long đã gặp ông An ở cửa phòng họp, hỏi: Cậu thi toán quốc tế năm nào? Ông An nói: “Em thi năm 1982 sếp ạ”. Ông Long nói tiếp: “Tôi rất biết về đội thi toán quốc tế nhưng chắc chắn năm 1982 không có tên cậu”. Ông An nói: “Sếp cứ tìm hiểu thêm thông tin trên mạng đi ạ”. Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ trước đến nay không có ai tên Nguyễn Lộc An đi thi toán quốc tế.
P.Anh |
Bình luận (0)