Sau gần 1 tuần mưa lũ liên tục, ngày 19-12, trời vừa tạnh, nhiều người dân thôn Mỹ Phú 2 (xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) tranh thủ mang ít lúa còn sót lại ra se để có cái ăn. Thật chua xót, những hạt lúa cuối cùng chưa bị cuốn trôi giờ đã lên mầm.
Lũ đã cướp sạch!
Xóm Vườn (thôn Mỹ Phú 2), một ngôi làng trù phú bên con suối Cái hiền hòa bao đời nay. Thế nhưng trưa 13-12, con suối ấy bỗng cuồng nộ dâng nước, xé toạc bờ đê, xối xả tràn vào xóm làm người dân của 115 nóc nhà nơi đây không kịp trở tay.
Chủ tịch UBND huyện Tuy An, ông Bùi Văn Thành, kể lại hôm đó, ông đang họp ở tỉnh thì nghe tin dữ nên vội chạy về. Chỉ cách 20 km nhưng khi đến nơi thì nước đã ngập sâu, không thể vào được trong làng. “Bà con không mang theo được gì, lũ cuốn sạch” - ông Thành ngậm ngùi.
Sáu ngày sau trận lũ kinh hoàng, vẫn còn nghe tiếng khóc tấm tức, lo lắng của những phụ nữ không biết gia đình sẽ sống ra sao trong những ngày tới. Bà Huỳnh Thị Bạch Tuyết, một người dân trong làng tựa vai vào cây cột trước hiên nhà, nức nở: “Vợ chồng làm mướn cả năm mới dành dụm được 900.000 đồng để đến Tết mua quần áo cho con. Vậy mà ông trời cũng nỡ lấy đi”. Bà gắng gượng ra chỗ đống lúa vừa gặt xong mang về chờ tuốt đặt ngoài sân. Trận lũ đi qua cuốn trôi hơn nửa, số còn lại giờ chỉ như đống rơm mục. Bà mót những hạt lúa còn sót lại giờ đã lên mầm để nấu cháo cho bò. Cả nhà cắt ca cắt củm nuôi được 2 con bò đã bị lũ cuốn trôi chết 1 con. Khu vườn xum xuê giờ tan hoang, ngập trong đá và rác.
Không xa nhà bà Tuyết, chị Huỳnh Thị Hết đang cõng cô con gái 4 tuổi nhặt nhạnh những chiếc áo còn sót lại lẫn trong bùn. Từ trận lũ ấy, cô bé hoảng sợ nên chẳng dám rời mẹ nửa bước. Ngôi nhà vách đất giờ xiêu vẹo, trống hoác. Nền nhà vẫn còn ngập ngụa, bùn lên đến bắp chân. “Nhà chỉ có 2 mẹ con. Hôm ấy may mà có mấy anh trong xóm cứu sống. Nhà chẳng còn gì, kể cả chỗ ngủ” - chị Hết thẫn thờ.
Thôn trưởng thôn Mỹ Phú 2 Nguyễn Văn Luân cho rằng trong số 115 ngôi nhà ở xóm Vườn, chỉ khoảng 10 ngôi nhà có nền cao thì ít bị thiệt hại, còn lại gần như mất sạch. Có những nhà buôn bán nhỏ như bà Trần Thị Nhị mất hàng trăm triệu đồng vì hàng hóa bị cuốn trôi. Cũng theo ông Luân, toàn bộ quần áo mà người dân nơi đây đang mặc đều là hàng... cứu trợ.
Cầm chắc cái đói
Thôn trưởng Nguyễn Văn Luân bảo rằng người dân nơi đây cầm chắc cái đói. Giờ còn lây lất với những ký gạo, gói mì, lương khô được cứu trợ, dăm bữa nữa những hàng cứu trợ ấy sẽ hết, người dân chẳng biết lấy gì để sống. “Lúa từ trong nhà ra ngoài đồng trôi sạch rồi. Lấy gì để gượng dậy hả chú?” - ông Luân băn khoăn.
Các cánh đồng nơi đây như đồng Ngang, đồng Đá, đồng Giữa không có hệ thống thủy lợi. Người dân chỉ canh tác được 1 vụ nhờ nước trời để dành dụm ăn cả năm. Lúa được thu hoạch sớm, chất trong nhà thì lũ cuốn trôi. Lúa ở ngoài đồng bị vùi trong bùn. Gia đình bà Huỳnh Thị Phước làm gần 1 ha lúa. Thu hoạch 1/3, được hơn 1 tấn lúa gửi ở nhà văn hóa thôn. Sau cơn lũ dữ, bà vội chạy đến kiểm tra thì hỡi ôi, không còn một hạt. “Chạy lên đồng thì 4 sào vừa cắt xong cũng bị cuốn trôi từ lúc nào. Lúa còn trên ruộng thì đã lên mầm. Trắng tay” - bà Phước kể trong nước mắt.
Lúa gạo chẳng còn, nước cũng chẳng có. Toàn bộ người dân nơi đây dùng nước giếng nhưng giờ giếng nước nào cũng đục như nước lũ. Cán bộ y tế đã đến từng giếng khử trùng nhưng chẳng ai dám uống, dám tắm với thứ nước lợn cợn bùn ấy.
Những ngày qua, cả nhà anh Nguyễn Tấn Nam (ngụ thôn Mỹ Phú 1, xã An Hiệp) phải kéo nhau ra chuồng heo để ngủ. Trưa 13-12, cả gia đình 4 người gồm cha và vợ con anh Nam đang ngủ trong nhà ở lưng chừng đèo Quán Cau thì nước lũ từ trên núi đổ xuống làm sập tường nhà, đè chị Dung, vợ anh Nam, dập lá lách phải đưa đến bệnh viện cấp cứu. “Đến giờ đất đá vẫn tiếp tục tràn vào nhà, phải ra chuồng heo mắc võng ngủ, chứ ở trong nhà chết lúc nào chẳng hay” - chị Dung nói.
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thống kê, lập danh sách toàn bộ những hộ bị thiệt hại nặng trong đợt lũ vừa qua để có phương án hỗ trợ. Nếu tỉnh không còn khả năng sẽ nhờ đến trung ương.
Khẩn cấp hỗ trợ người dân vùng lũ
Chiều 19-12, đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dẫn đầu đã có chuyến thăm và tặng quà cho bà con vùng lũ ở tỉnh Quảng Nam. Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao 100 suất quà (1 triệu đồng/suất) cho các hộ dân bị thiệt hại do lũ tại xã Điện Phương (thị xã Điện Bàn) và 115 suất quà khác cho người dân xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên). Phó Chủ tịch nước cũng đã trao 300 triệu đồng từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho trẻ em vùng lũ của tỉnh Quảng Nam.
Chiều cùng ngày, kiểm tra tình hình thiệt hại do lũ lụt tại địa bàn xã Đại Hồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trao 1 tỉ đồng cho tỉnh Quảng Nam để khắc phục môi trường và vệ sinh nguồn nước sau lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp cho địa phương 500 tỉ đồng để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, văn bản này cũng đề nghị miễn học phí học kỳ II năm học 2016-2017 cho học sinh của tỉnh Bình Định; sắp xếp một gói ODA cho các tỉnh miền Trung, trong đó có Bình Định để phục hồi, tái thiết cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, dân sinh và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai; hỗ trợ sách, vở cho hơn 50.000 học sinh các cấp trên địa bàn đã bị lũ cuốn trôi...
A.Tú - T.Trực - T.Thường
Bình luận (0)