Sáng 16-10, khi cơn lũ dữ đã rút dần, người dân vùng hạ du sông Gianh (Quảng Bình) bắt đầu trở về nhà sau nhiều ngày chạy lũ. Trước mắt họ, vườn nhà đã thành bãi hoang tàn, tài sản tích cóp bao năm trôi theo dòng nước.
Trường THCS Văn Hóa (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ngập bùn sau lũ Ảnh: QUANG NHẬT
Thôn Cồn Sẽ, xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn nằm giữa đôi dòng sông Gianh ở phía hạ nguồn, đến chiều 16-10, nước vẫn còn ngập các tuyến đường trong khu dân cư. Người dân nơi đây lặn lội trong dòng nước lũ, mong tìm được chút tài sản còn sót lại sau khi bị cuốn trôi.
Vừa tìm được ít quần áo, giày dép vướng ở hàng rào ở nhà hàng xóm, bà Cao Thị Tính (53 tuổi) liền trở về nhà để giặt giũ, lau chùi. Căn nhà cấp 4 lọt thỏm giữa bốn bề là nước, tường nhà bong tróc từng mảng, cửa gỗ ngâm nước trôi ra sân. “Hôm đó, lũ về đột ngột nên gia đình tôi chỉ kịp đưa ít đồ đạc sang gửi nhà hàng xóm rồi đi lánh nạn. Khi trở về nhà thì hầu như chẳng còn gì” - bà Tính buồn tủi.
Trong căn nhà gỗ xiêu vẹo nằm giữa thôn Cồn Sẽ, chị Phạm Thị Hiếu (30 tuổi) ôm đứa con gái út mà mắt ngấn lệ. Bên góc nhà, chiếc ba lô của 2 đứa con chị lấm lem bùn đất, trên thành giường cả mớ sách vở bị ướt đẫm. “Chồng đã đi lao động ở nước ngoài, hôm lũ về 3 mẹ con tôi chỉ kịp chạy qua nhà hàng xóm tránh nước cuốn. Nước ngập lên tới nóc, đồ đạc hầu như đã bị cuốn trôi. Sau cơn lũ, mấy đứa nhỏ sẽ trở lại trường nhưng sách vở chẳng còn, không biết phải làm sao” - chị Hiếu buồn bã.
Men theo dòng sông Gianh lên thượng nguồn, đi qua các xã Quảng Tân, Quảng Hòa, Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đâu đâu cũng thấy những ngôi làng xơ xác, những đôi mắt sâu hoắm đầy lo toan của người dân sau cơn lũ dữ.
Thầy Lê Hải Châu, Hiệu phó Trường THCS Văn Hóa (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), cho biết khi dòng nước dâng cao, toàn bộ các phòng học ngập chìm trong nước, có một số phòng học nước dâng cao tới 4 m. Ngày 16-10, nước lũ đi qua đã để lại một lớp bùn dày phủ toàn bộ sân trường, lớp học. “Chúng tôi đã cố gắng chuyển tất cả những thứ có thể chuyển được lên các phòng tầng trên để giảm bớt thiệt hại nhưng có nhiều vật dụng cố định giờ hư hỏng cả rồi” - thầy Châu nói.
Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến tối 16-10, tỉnh này đã có 18 người chết và 7 người mất tích do mưa lũ. Hiện toàn tỉnh Quảng Bình cơ bản nước lũ đã rút, chỉ còn một số vùng bị ngập.
Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vào tối 15-10, tỉnh Quảng Bình đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo, 250 tỉ đồng, thuốc xử lý môi trường, nước sinh hoạt để cấp cho dân vùng lũ.
TP HCM ủng hộ 10 tỉ đồng cho người dân vùng lũ
Ngày 16-10, tại buổi lễ kỷ niệm 86 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Hoàng Năng đã kêu gọi các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... cùng chung tay quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ ở các tỉnh miền Trung. Để kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ đồng bào các tỉnh bị thiên tai, TP HCM đã ủng hộ 10 tỉ đồng cho 5 tỉnh và sẽ do lãnh đạo TP trực tiếp làm trưởng các đoàn đi trao số tiền ủng hộ đến bà con vùng lũ.
Ủy ban MTTQ TP HCM tiếp nhận sự đóng góp tại trụ sở số 57 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM hoặc chuyển khoản qua tài khoản số 000870406001484 Ngân hàng TMCP SG Công thương Chi nhánh Kỳ Hòa, TP HCM. Tr.Hoàng
Bình luận (0)