Chiều 11-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã tiếp cận tàu Sunrise 689 đang neo đậu tại vùng biển gần bờ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tất cả thuyền viên đều trong tâm trạng mệt đừ, mặt thờ thẫn. Riêng máy trưởng Lương Đại Thành (SN 1961, ngụ tỉnh Nam Định) bị thương nặng vùng chân đã được đưa đi cấp cứu.
“Money, money, ok!”
Là một trong 2 người bị thương, thuyền viên Trần Văn Lịch (SN 1986, ngụ tỉnh Nam Định) kể lại giây phút kinh hoàng: “Lúc đó, tôi đang đi trên tàu thì thấy một tên mặc quần áo đen, cầm dao nghênh ngang. Tôi bỏ chạy thì bị trượt chân, té... Bọn cướp xách nách tôi khống chế lên tầng trên giam chung với một số đồng đội”.
Thuyền viên Trần Quang Vinh (SN 1980, ngụ tỉnh Thái Bình) nhớ lại: “Khoảng 3 giờ 45 phút ngày 3-10, tàu vừa ra khỏi cảng của Singapore vài giờ thì tôi chuẩn bị thay ca. Tôi đang đánh răng trong nhà vệ sinh thì nghe có tiếng người lạ. Vừa quay ra, tôi thấy 3 tên bịt mặt, cầm dao rất hung tợn. Tôi nghĩ bọn cướp cần tiền nên đưa tay cho chúng trói và nói: Money, money, ok....”.
Theo anh Vinh, ngày đầu tiên, bọn cướp biển không cho thuyền viên ăn. Những ngày sau, chúng cho họ ăn mỗi ngày một bữa, khi buổi trưa, khi buổi chiều và đi thành từng nhóm dưới sự giám sát nghiêm ngặt.
Một thuyền viên cho biết sau khi hút dầu, bọn cướp biển lấy lương thực, tiền bạc, toàn bộ tài sản của Sunrise 689 và để tàu trôi lênh đênh trên biển. Sau 5 giờ mất phương hướng, thấy tàu cá có cờ Việt Nam nên các thuyền viên ra hiệu kêu cứu bằng cách vẫy tay, vẫy quần áo. Khi có sóng điện thoại, họ dùng điện thoại chưa bị cướp gọi về đất liền.
Là người nấu ăn cho các thuyền viên, bếp trưởng Trần Đình Phương (SN 1972, ngụ TP Hải Phòng) khẳng định đã không phục vụ yêu cầu của bọn cướp. Ông Phương kể: “Sau khi trói tay, khống chế chúng tôi, bọn cướp bảo nấu ăn nhưng tôi không làm, chỉ nấu cho đồng nghiệp của mình. Bọn chúng lấy thực phẩm tự nấu ăn. Khi chúng tôi nấu thì chúng cho người giám sát. Chúng tôi đi ăn, đổ rác, vệ sinh đều bị canh giữ”.
Chiều 11-10, tại Bệnh viện Lê Lợi (TP Vũng Tàu), máy trưởng Lương Đại Thành cho biết khi bọn cướp xuất hiện, tất cả thuyền viên đều không kịp trở tay. Lúc đó, Thành đang ở trong phòng mình thì bỗng 3 người lạ mặt xuất hiện, giơ dao và súng đe dọa đòi mở cửa. Quá bất ngờ, anh hỏi vọng ra là ai và tìm cách kéo dài thời gian rồi quyết định đạp bung cửa phòng để chạy. Thành ngã văng từ cửa chính qua cửa sổ từ tầng 3 xuống tầng 2 của tàu, đau không thể đứng dậy được nên nằm tại chỗ. Anh kéo tấm bạt che mình và nhìn lên thấy nhóm cướp rảo từng phòng, dùng vũ khí khống chế các thuyền viên. Lát sau, 2 trong số những tên cướp tìm thấy anh.
“Có thể bọn cướp đi thuyền nhỏ đột nhập lên tàu. Chúng nói tiếng Indonesia và rất hung hăng, sẵn sàng manh động nếu ai chống đối” - vừa được các bác sĩ thăm khám, anh Thành vừa kể. Các bác sĩ cho biết tình trạng sức khỏe của anh Thành không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Lập đơn vị điều tra độc lập
Để phục vụ công tác xử lý, điều tra vụ việc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị điều tra độc lập.
Sáng 11-10, sau khi tàu Sunrise 689 được tàu Cảnh sát biển vùng 4 hộ tống từ tỉnh Cà Mau về đến cầu phao số 0, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với công an, VKSND, Cảnh sát biển vùng 3 tiếp cận, lấy lời khai của thuyền viên.
Cùng ngày, Cục trưởng Cục Hàng hải - Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật và lãnh đạo một số cơ quan chức năng đã ra thăm hỏi, động viên các thuyền viên. Đến cuối buổi chiều, tàu Sunrise 689 vẫn neo đậu tại vùng biển cách bờ hàng trăm mét dưới sự giám sát của Cảnh sát biển vùng 3 và lực lượng biên phòng.
Phối hợp làm rõ vụ việc
Đại tá Trần Công Hiểu, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Chúng tôi xác định 18 thuyền viên là nạn nhân của một vụ cướp biển ngoài vùng biển Việt Nam và cố gắng hết sức mình để giúp các thuyền viên có một trạng thái ổn định, phối hợp làm rõ vụ việc. Đây và vụ cướp biển thứ 2 mà chúng tôi điều tra. Cách đây 1 năm, chúng tôi đã bàn giao băng cướp biển cho Indonesia”.
Bình luận (0)