Sáng 20-7, Quốc hội (QH) khóa XIV đã chính thức khai mạc kỳ họp thứ nhất với sự tham dự của 494 đại biểu (ĐB).
Nhiều nhiệm vụ hệ trọng phải thực hiện
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong những tháng đầu năm 2016, tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu phát triển không ổn định, thị trường tài chính, tiền tệ biến động khó lường; tình hình biển Đông đang diễn biến rất phức tạp… đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề bảo vệ và phát triển của đất nước ta trong tình hình mới. Cùng với đó, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. “QH chia sẻ khó khăn với đồng bào cả nước và yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nâng cao tinh thần trách nhiệm để giải quyết có hiệu quả, nhanh chóng những vấn đề liên quan đến sản xuất và đời sống của nhân dân” - bà Ngân nhấn mạnh.
Ngay sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng trước QH. Nhấn mạnh đến bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Tổng Bí thư đề nghị QH quan tâm thực hiện một số định hướng lớn. Đó là phải tập trung xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi để tiếp tục thể chế hóa Cương lĩnh chính trị, các quan điểm, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vai trò và hiệu lực quản lý của nhà nước, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản có đủ các đạo luật cơ bản, cần thiết; trong xây dựng hệ thống pháp luật phải luôn kiên định lập trường tư tưởng, tiếp thu có chọn lọc, tuyệt đối không mơ hồ, mất cảnh giác để các thế lực thù địch lợi dụng hướng lái hệ thống pháp luật.
Tổng Bí thư lưu ý QH cần nâng cao chất lượng hiệu quả giám sát, chú trọng vấn đề hậu giám sát và giám sát không dàn trải, tập trung các vấn đề quan trọng, bức xúc của cử tri. QH cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi, tư tưởng của đông đảo cử tri, nhân dân, đến quốc phòng, an ninh.
Về công tác nhân sự của kỳ họp, Tổng Bí thư lưu ý đây là nhiệm vụ hệ trọng, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH, đề nghị các ĐBQH dân chủ thảo luận, sáng suốt lựa chọn bầu và phê chuẩn những người xứng đáng vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước.
Bất bình về Formosa và lo tình hình biển Đông
Tại phiên họp sáng cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - ông Nguyễn Thiện Nhân - đã trình bày trước QH báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến QH.
Báo cáo nêu rõ việc Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) che giấu việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung đã gây nhiều bất bình và bức xúc trong nhân dân và công luận. Do vậy, cử tri và nhân dân đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương tiếp tục có các giải pháp tích cực, cụ thể để giải quyết hậu quả trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường, bảo đảm cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương; giám sát Công ty Formosa thực hiện đầy đủ các cam kết. Cử tri và nhân dân cũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đã buông lỏng trách nhiệm quản lý nhà nước về đầu tư và bảo vệ môi trường.
Bảo vệ chủ quyền biển, đảo cũng là nội dung mà cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Báo cáo nhấn mạnh cử tri và nhân dân cả nước rất lo lắng, bất bình trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động bồi đắp, xây dựng các công trình, bố trí vũ khí, quân đội tại các đảo, bãi đá trái luật pháp quốc tế thuộc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam; tàu thuyền của Trung Quốc hành hung, cướp phá tài sản, ngư cụ của ngư dân Việt Nam. Cử tri và nhân dân mong muốn Đảng, nhà nước tiếp tục có các giải pháp đấu tranh đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, vừa bảo đảm giữ vững chủ quyền biển, đảo của quốc gia vừa bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; mở rộng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối ngoại để cộng đồng quốc tế hiểu và ủng hộ sự chính nghĩa, ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nhân dân ta; sớm đưa nước ta trở thành nước mạnh về kinh tế biển trong khu vực.
Ngoài ra, cử tri còn lo ngại và mong muốn khắc phục cho được tình trạng bổ nhiệm người thân trong gia đình vào các vị trí lãnh đạo mà không bảo đảm quy trình và các tiêu chuẩn về đạo đức, trình độ năng lực, uy tín... đã làm giảm niềm tin của nhân dân.
Bầu lãnh đạo Quốc hội khóa XIV
Theo chương trình kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, hôm nay (21-7), Chủ tịch QH khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ thay mặt Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH. Chiều cùng ngày, QH sẽ bầu các chức danh nêu trên bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Trước đó, tại phiên họp chiều 20-7, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày Tờ trình danh sách để bầu 18 Ủy viên Thường vụ QH khóa XIV gồm: Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch (có 1 Phó Chủ tịch Thường trực) và 13 ủy viên.
Bình luận (0)