Ông Trương Văn Dự - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk - cho biết Tây Nguyên đang trong mùa khô, có nhiều con đường vào rừng nên là thời điểm thuận lợi cho lâm tặc ra tay. “Bên cạnh đó, mùa này người dân ít việc làm nên họ thường tìm cách vào rừng khai thác gỗ theo đơn đặt hàng của các đầu nậu” - ông Dự lo ngại.
Coi chừng “ông” thủy điện!
Thực tế, rừng đã, đang và vẫn sẽ lâm nguy khi bên cạnh nạn triệt hạ cây lấy gỗ của lâm tặc, tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất của người dân còn có nhiều doanh nghiệp luôn lăm le nhảy vào làm thủy điện. Dự án thủy điện Chư Pông Krông ở Tây Nguyên đang rục rịch triển khai là một ví dụ điển hình.
Ngày 9-2, UBND tỉnh Đắk Lắk có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đề nghị chuyển đổi 5,41 ha đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Đó là dự án nhà máy thủy điện Chư Pông Krông trên sông Krông Nô (giáp ranh 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông) có công suất 7,5 MW, do Công ty TNHH MTV Xây lắp điện Hưng Phúc (tỉnh Đắk Lắk) làm chủ đầu tư. Quy mô sử dụng đất là 8,11 ha, trong đó đáng lưu ý 5,41 ha thuộc Tiểu khu 1306 trong Khu Dự trữ thiên nhiên Nam Ka.
Theo công văn nêu trên, việc chuyển diện tích 5,41 ha đất rừng đặc dụng thành đất phi nông nghiệp (đất năng lượng) là phù hợp nhu cầu thực tế, tạo điều kiện phát triển kinh tế của địa phương. Việc xây dựng nhà máy Chư Pông Krông được Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Lắk đưa vào quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động môi trường và được HĐND tỉnh này nhất trí thông qua. Do đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến đồng thuận trong việc chuyển giao diện tích trên cho UBND huyện Lắk quản lý để có cơ sở lập thủ tục chuyển sang đất phi nông nghiệp và cho Công ty Hưng Phúc thuê triển khai dự án xây nhà máy thủy điện.
Theo khảo sát của phóng viên, khu vực dự kiến xây thủy điện Chư Pông Krông không chỉ trên đất rừng đặc dụng mà còn nằm cạnh khu dân cư đông đúc. Vì thế, việc xây nhà máy thủy điện sẽ tác động đến khu dân cư, ảnh hưởng môi trường sống của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc này, ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển đổi bất kỳ diện tích rừng nào để làm dự án, kể cả dự án đã được phê duyệt, trừ công trình phục vụ an ninh - quốc phòng. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã nhiều lần đôn đốc Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh trong vùng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo ông Thanh, thẩm quyền giải quyết chuyển đổi đất rừng nếu có thì ở cấp Chính phủ. Đối với dự án thủy điện Chư Pông Krông, công suất 7,5 MW không giải quyết được vấn đề về năng lượng và diện tích dù chỉ hơn 5 ha cũng phải bảo vệ để khôi phục rừng. Đó là chưa kể việc xây dựng nhà máy sẽ ảnh hưởng đến khu dân cư, phá vỡ dòng chảy tự nhiên.
“Hiện nay, nhiều tỉnh cũng xin chuyển đổi rừng để làm các dự án nhưng quan điểm của chúng tôi là cấm tuyệt đối. Một hecta rừng, đất rừng cũng không được chuyển đổi, kể cả các dự án đã được phê duyệt” - ông Thanh nhấn mạnh.
Người dân phải sống được với rừng
Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên, cho rằng rất khó ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ trái phép trong rừng tự nhiên do nhu cầu thị trường luôn rất cao. Bên cạnh đó, việc di dân, phá rừng lấy đất sản xuất cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Tại Quảng Nam, sau khi để xảy ra hàng loạt vụ phá rừng gần đây, chính quyền địa phương đang rất quyết tâm giữ rừng với hàng loạt giải pháp được đưa ra. Ông Huỳnh Tấn Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho rằng công bằng mà nói, công tác bảo vệ rừng ở tỉnh này được đánh giá tốt. Tỉ lệ che phủ rừng còn lớn, nạn phá rừng dù còn diễn ra nhưng đó là tồn tại xã hội khi nhu cầu sử dụng gỗ rất lớn.
Để giải quyết căn cơ, theo ông Đức, bên cạnh kiểm lâm, cả chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư phải chung tay giữ rừng. Tỉnh Quảng Nam đang có chủ trương khuyến khích người dân tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng theo phương châm lấy kinh tế để bảo vệ rừng. “Chính dân địa phương là người giữ rừng tốt nhất. Vấn đề căn cơ là người dân phải sống được với rừng. Nhà nước hỗ trợ nhưng không phải đưa tiền để người dân bảo vệ rừng như trước đây mà hướng tới việc họ muốn hưởng lợi thì phải bảo vệ rừng” - ông Đức phân tích.
Theo ông Đức, sắp tới, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam sẽ làm việc với các địa phương để nắm rõ thực tế về sự phối hợp trong việc giữ rừng. Ông Đức nhìn nhận hiện nay, giữa các ban, ngành với chính quyền địa phương chưa thực sự gắn kết, trách nhiệm cụ thể chưa rõ ràng.
“Một số kiểm lâm có hành vi tiêu cực đã bị phát hiện, xử lý. Sắp tới, đơn vị sẽ chấn chỉnh nội bộ để các tiêu cực không trở nên phổ biến. Sở cũng đang kiện toàn bộ máy các ban quản lý và hạt kiểm lâm. Hiện nay, chỉ còn Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm rừng phòng hộ Sông Tranh (quản lý rừng 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My) chưa được hợp nhất. Sắp tới, 2 đơn vị này sẽ hợp nhất và phân giới, cắm mốc, chia tách quản lý giữa 2 huyện để tránh chồng chéo, đẩy qua đẩy lại” - ông Đức cho hay.
Hợp tác bảo vệ rừng biên giới Việt - Lào
Mới đây, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Nam và Sê Kông - Lào đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác bảo vệ rừng giữa 2 địa phương.
Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay từ trước tới nay, khu vực đường biên giới 2 tỉnh chưa có quy chế phối hợp nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp một số khó khăn. Từ nay, 2 địa phương sẽ tăng cường phối hợp tuần tra, cung cấp thông tin cho nhau để bảo vệ rừng tốt hơn.
Bình luận (0)