xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lắm mối nguy từ sinh vật ngoại lai mới

Nguyễn Thế

Nhiều sinh vật ngoại lai mới đang là mối nguy đối với các loài sinh vật bản địa; làm mất cân bằng sinh thái và có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe của con người

Mối nguy của sinh vật ngoại lai (SVNL) thực ra không mới ở nước ta, có những loài đã tồn tại từ hàng chục năm qua như cây mai dương, ốc bươu vàng, lục bình… Trong những ngày gần đây, thông tin về sự xuất hiện của những con tôm hùm đỏ hung dữ, có thể phá hại môi trường, sinh vật… được nuôi ở xã Tân Hội Trung (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) lại gây xôn xao, khiến nông dân lo lắng như với đại dịch ốc bươu vàng trước đây.

Tác động tiêu cực đến môi trường, sức khỏe người

Trao đổi với báo chí, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản của Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), cho biết tôm hùm đỏ có tập tính ăn tạp, đào hang phá hoại các bờ ruộng, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học.

“Tôm hùm đỏ là loài không được đưa vào danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, trong Thông tư liên tịch số 27/2013 giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường, loài tôm này được xếp vào nhóm SVNL có khả năng xâm hại. Vì vậy, tôm hùm đỏ không được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam” - ông Cẩn khẳng định.

Ở các sông miền Trung, hiện ốc bươu vàng đang phát tán nhanh chóng. Trong ảnh: Một đoạn của sông Gianh (Quảng Bình) đang có rất nhiều ốc bươu vàng Ảnh: Duy Cường
Ở các sông miền Trung, hiện ốc bươu vàng đang phát tán nhanh chóng. Trong ảnh: Một đoạn của sông Gianh (Quảng Bình) đang có rất nhiều ốc bươu vàng Ảnh: Duy Cường

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, SVNL xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

SVNL xâm hại có mặt trong tất cả các nhóm phân loại chủ yếu, bao gồm các loài virus, nấm, tảo, rêu, dương xỉ, thực vật cao, động vật không xương sống, cá, lưỡng cư, bò sát, chim và thú. Chúng có tiềm năng xâm hại các hệ sinh thái khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các hệ sinh vật bản địa. Sự xâm lấn của SVNL xâm hại có thể dẫn đến sự tuyệt chủng của nhiều loài, tác động tiêu cực tới kinh tế - xã hội và sức khỏe của con người.

Khó phòng trừ

Lấy ví dụ về cây trinh nữ thân gỗ, còn được gọi là cây trinh nữ nhọn, cây mắt mèo, cây xấu hổ hay cây mai dương, ông Sơn cho biết đây là loài thực vật ngoại lai có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ. Do có khả năng sinh trưởng, phát triển và phát tán ra quần thể rất lớn nên được xếp vào loài cỏ dại nguy hiểm thứ 3 trên thế giới và nằm trong danh sách 100 loài sinh vật gây hại nguy hiểm nhất đối với hầu hết các quốc gia, đặc biệt là các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Du nhập vào Việt Nam từ năm 1960 đến nay, cây trinh nữ thân gỗ phát triển khá nhanh và có mặt ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, tại những vùng bán ngập thuộc ĐBSCL, các khu vực lòng hồ thủy điện, mọc dày thành những vành đai rộng lớn và trở thành đối tượng cỏ dại nguy hiểm khó phòng trừ, gây ảnh hưởng lớn cho sản xuất nông nghiệp, cảnh quan và môi trường.

Ốc bươu vàng là một trong những loài gây hại mạnh nhất ở Việt Nam. Loài này nhập vào Việt Nam từ trước năm 1975 với mục đích làm cảnh. Do có vòng đời ngắn, khi có các điều kiện phù hợp, ốc bươu vàng có thể phát tán nhanh chóng theo các thủy vực và hiện đã được ghi nhận ở hầu hết vùng miền tại Việt Nam. Do có thể ăn được hầu hết các loài thực vật, ốc bươu vàng gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với đa dạng sinh học cũng như sản xuất nông nghiệp.

Tiếp đó, năm 2000, chuột hải ly được nhập khẩu nuôi thử nghiệm. Tuy nhiên, đây là loài có tên trong danh sách 100 loài sinh vật xâm hại nguy hiểm nhất thế giới. Với khả năng sinh sản 3 lứa/năm và mỗi lứa đẻ từ 4-11 con, loài chuột hải ly còn mang các mầm bệnh như lao, lao tủy, lao da... gây bệnh cho người và vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến các động vật khác.

Sau chuột hải ly, chồn nhung đen xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011. Đầu năm 2014, chuyện nuôi gián đất tại Bắc Ninh nổi lên như một phương pháp làm giàu nhanh chóng. Sau khi nắm bắt tình hình thực tế, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi có văn bản cấm nuôi các loài này.

Cần kiểm soát chặt

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về SVNL nói chung và SVNL xâm hại nói riêng tại Việt Nam nhưng qua một số nghiên cứu đánh giá, đã có những tác động xấu đến đa dạng sinh học trong nước cũng như kinh tế - xã hội. Quản lý SVNL xâm hại đóng vai trò quan trọng góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Về giải pháp, ông Sơn cho rằng cần tăng cường điều tra, phát hiện và lập bản đồ phân bổ để kiểm soát và xử lý kịp thời các vùng mới bị xâm nhiễm SVNL. Tiếp đó là áp dụng triệt để và nghiêm ngặt các biện pháp kiểm dịch; kiểm soát chặt chẽ và chủ động ngăn chặn các con đường lây lan của SVNL.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia phát hiện và ngăn chặn sớm sự phát tán của SVNL. Đối với thực vật, phải chủ động trồng các loại thực vật phù hợp để lấn át sự xâm nhiễm của thực vật ngoại lai ngay từ đầu. Đối với các loài động vật, cần huy động lực lượng cộng đồng để tìm diệt sớm.

Ông Như Văn Cẩn nhấn mạnh Bộ NN-PTNT đã có quy định về những loài SVNL muốn phát triển, du nhập phải có đánh giá tác động đối với môi trường sinh thái, hiệu quả kinh tế mới được sản xuất, kinh doanh. “Mong người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của Bộ NN-PTNT, chỉ sản xuất, kinh doanh những loài SVNL nằm trong danh mục được phép” - ông Cẩn nói.

Liên quan tới thông tin người dân và nhà chùa Kim Trú Tự - Bát Tràng (Hà Nội) phóng sinh cá xuống sông Hồng, ngày 10-2, ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội, cho biết đã cử cán bộ xuống kiểm tra, xác minh sự việc và theo báo cáo thì người dân chỉ thả phóng sinh khoảng 550 kg cá trê, trắm, trôi…

Về loài cá chim trắng, ông Minh cho biết qua hình ảnh và thông tin trên báo chí có thể nhận thấy đây là loài cá chim trắng Colossoma brachypomum có trong danh mục “Giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam”. Loài cá chim trắng toàn thân, tên khoa học Piaractus brachypomus, mới là loài ngoại lai xâm hại.

Ốc bươu vàng xuất hiện ở Nghệ An

Tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, sau dịp Tết nguyên đán 2017, ốc bươu vàng xuất hiện tại những ruộng lúa của các xã Phúc Sơn, Lĩnh Sơn, Bình Sơn, Khai Sơn... với mật độ trung bình 0,5 con/m2. Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Sơn, cho biết có khoảng 30-40 ha lúa trên địa bàn bị ảnh hưởng do ốc bươu vàng cắn. Nạn ốc bươu vàng cũng gây hại cho nhiều diện tích lúa tại các xã như Quỳnh Hồng, Quỳnh Bá, Quỳnh Diễn, Quỳnh Hậu... ở huyện Quỳnh Lưu. Điển hình như cánh đồng Láo ở xã Quỳnh Hồng, ốc bươu vàng xuất hiện 10-20 con/m2 khiến nhiều diện tích lúa của người dân bị cắn trụi.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, nạn ốc bươu vàng ở tỉnh này dù có giảm nhưng vẫn còn ở 783,5 ha lúa (tăng 153,5 ha so cùng kỳ năm 2016), mật độ 1-3 con/m2. Trong đó, diện tích nhiễm trung bình 186 ha (giảm 49 ha), mật độ từ 3-6 con/m2; 37 ha (giảm 133 ha), mật độ 6-15 con/m2. Các địa phương bị nặng nhất là các huyện: Hương Trà (300 ha), Phú Lộc (285 ha).

Theo nhận định của Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ốc bươu vàng sẽ tiếp tục gây hại và gây hại nặng ở các chân ruộng thấp trũng, đặc biệt là các chân ruộng mới gieo sạ lại. Ngoài ra, các đối tượng SVNL gây hại khác cũng đang tiếp tục phát sinh và phát triển trên đồng ruộng.

Đ.Ngọc - Q.Nhật

Thịt tôm hùm đỏ rất bở và dở

Hiện việc mua bán tôm hùm đỏ đang diễn ra tràn lan trên mạng. Chỉ cần search Google với từ khóa “tôm hùm đỏ” hay “tôm hùm đất” sẽ xuất hiện hàng loạt trang mạng chào mời bán loại tôm này. Liên lạc với một số trang mạng có bán loại tôm này, người bán cho biết hiện đã hết hàng, nếu cần thì để lại số điện thoại sẽ được liên hệ sau. Một số người khi nghe hỏi mua tôm hùm đỏ thì lập tức cúp máy, từ chối trả lời.

Tại TP HCM, trước đây loài tôm này được nhiều nhà hàng chào mời như là món ăn hấp dẫn, mới mẻ với nhiều thực khách. Rất nhiều người, nhất là giới trẻ, chọn món ăn này như là một trào lưu ẩm thực mới.

Nhiều nhà hàng cho biết loài tôm này nhập từ Mỹ và sau khi chế biến giá 1 kg khoảng 500.000-600.000 đồng. Hiện rất nhiều nhà hàng vẫn bán món tôm này. Nhiều bạn đọc cho biết vì thấy thông tin trên mạng về món tôm hùm đỏ rất hấp dẫn nên đi ăn. Thế nhưng, nhiều người cho hay ăn rồi mới biết thịt của loài tôm hùm này rất bở, dở, vỏ dày nên thịt chẳng được bao nhiêu.

Ch.Trung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo