Tại hội nghị sơ kết công tác kiểm soát tải trọng phương tiện quý I/2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới vừa được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và Bộ Công an tổ chức, nhiều cơ quan chức năng và địa phương đã ghi nhận kết quả khả quan trong kiểm soát tải trọng xe.
Chi phí bảo kê khổng lồ
Tuy nhiên, tại hội nghị nêu trên, ông Thái Văn Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, lại cho rằng phản hồi từ hội viên cho thấy ở TP HCM vẫn còn nạn bảo kê cho xe chở hàng quá tải, thông qua hình thức mua logo. Điều này gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp (DN), làm méo mó thị trường vận tải.
Ông Thái Văn Chung cho biết sau khi khảo sát một số DN vận tải trên địa bàn, ông lo lắng về hiện tượng bảo kê, mua bán logo (ký hiệu riêng) để xe quá tải dễ dàng qua các trạm cân. Theo ông, việc mua bán logo đem lại nguồn lợi khổng lồ. “Không ít DN khẳng định chi phí mua logo dao động khoảng 3,5-5 triệu đồng/tháng/xe, thậm chí giá của “vé thông hành” này có thể lên tới 6 triệu đồng/tháng/xe” - ông Chung nói.
“Tôi thấy có rất nhiều DN mang thương hiệu khác đậu trên bãi xe của một đơn vị vận tải lớn ở quận 7, TP HCM. Chủ bãi xe này cho biết nếu không mua logo thì không thể lọt qua trạm cân. Hiệp hội đề nghị Bộ Công an điều tra, thậm chí khởi tố một số đối tượng bảo kê thông qua mua bán thương hiệu, logo để xe quá tải vượt trạm cân” - ông Chung nhấn mạnh.
Nhiều cơ quan chức năng ở địa phương cũng nêu ra những khó khăn trong xử phạt hành vi chở hàng quá tải, như mức phạt quá nặng khiến một số chủ phương tiện, DN, tài xế phản đối quyết liệt. Có trường hợp, cả ngày mới xử phạt xong do tài xế đóng cửa xe bỏ đi. Nhiều xe của các tỉnh ra vào thủ đô chở hàng quá khổ, quá tải khi bị truy bắt, tài xế cố cho xe chạy ra khỏi Hà Nội nhằm gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Sẽ không “đánh trống bỏ dùi”
Trước kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đề nghị ông Chung cung cấp chứng cứ, đồng thời cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra ngay tình trạng này để sớm có hướng xử lý. Nếu có hiện tượng bảo kê, Bộ GTVT và Bộ Công an sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Ông Lê Đình Thọ cũng khẳng định việc kiểm soát xe quá tải sẽ không làm theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” để người dân và DN vận tải không còn nghi ngờ vào cơ quan quản lý.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng không thể để xảy ra tình trạng “vùng cấm” hay bảo kê xe quá tải. Ông Vương yêu cầu các đơn vị công an trực thuộc tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc kiểm soát tải trọng xe. Theo đó, lực lượng CSGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi chở hàng quá tải trọng. Công an các đơn vị, địa phương điều tra, xử lý nghiêm hành vi hối lộ, môi giới dẫn xe vượt hoặc né trạm cân; đồng thời, xử lý nghiêm các biểu hiện thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông và những hành vi tiêu cực tại các điểm kiểm tra tải trọng xe.
“Sẽ siết chặt hơn nữa việc kiểm soát tải trọng xe, không để còn “vùng cấm” hay tình trạng bảo kê xe quá tải. Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của lực lượng CSGT và thanh tra giao thông” - Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, cũng cho biết Bộ GTVT và Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các địa phương để thực hiện hàng loạt biện pháp mạnh trong kiểm soát tải trọng xe. Đối với các công trình xây dựng cơ bản, nếu tiếp nhận xe quá tải thì đề nghị cơ quan chức năng tước giấy phép thi công hoặc đưa vào diện không trúng thầu các dự án sau. Hành vi chở hàng quá tải sẽ bị xử lý cả 4 đối tượng: tài xế, chủ xe, DN và nơi xếp hàng hóa.
Hơn 9.000 trường hợp vi phạm tải trọng
Theo báo cáo của liên Bộ GTVT - Công an về kết quả kiểm soát tải trọng xe tại các điểm kiểm tra lưu động, cố định liên ngành, trong quý I/2015 đã kiểm tra 87.435 xe, phát hiện 9.385 trường hợp vi phạm, hạ tải 4.184 xe với khối lượng 27.204 tấn, xử phạt 70 tỉ đồng. Về kiểm tra tải trọng bằng cân xách tay, lực lượng thanh tra đã kiểm tra 30.000 xe, phát hiện 3.000 trường hợp vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Huyện cho biết tình trạng ô tô chở hàng quá tải trên toàn quốc đã giảm nhiều. Tuy nhiên, việc “siết” tải trọng xe thời gian tới vẫn còn thách thức, khó khăn khi vẫn còn một bộ phận DN vận tải, chủ hàng, tài xế có ý thức chấp hành chưa nghiêm. Đặc biệt, dư luận còn phản ánh nhiều về tình trạng xe quá tải lén lút hoạt động vào ban đêm, đi vào các tuyến đường liên xã, liên huyện để trốn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Ở một số nơi, hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xe quá tải cũng gây bức xúc...
Bình luận (0)