* Phóng viên: Bộ Ngoại giao Đan Mạch vừa tuyên bố tạm ngừng 3/4 dự án tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu về biến đổi khí hậu do có dấu hiệu sai phạm tài chính chiếm tới 23% giá trị. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này thế nào?
- Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Vụ việc vừa qua mới là ý kiến từ phía Đan Mạch. Các cơ quan chủ quản dự án phía Việt Nam (Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ NN-PTNT) đang trong quá trình kiểm tra làm rõ, cơ quan công an vẫn chưa vào cuộc. Rất nhiều dự án vốn ODA đang triển khai ở Việt Nam, đây là dự án về biến đổi khí hậu và cũng chỉ mới thực hiện được 6 tháng. Hiện một thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã gặp đại sứ Đan Mạch để bàn về vấn đề này và nêu quan điểm của chúng ta là phải sử dụng ODA một cách hiệu quả, nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm. Chúng ta luôn chân thành, coi trọng nguồn ODA của các nước và luôn cam kết sử dụng có hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Bảo Trân
* Nhưng hiện tượng tiêu cực về sử dụng ODA ở Việt Nam không phải lần đầu, thưa ông?
- Nhiều thì không phải là nhiều. Chúng ta có số lượng dự án sử dụng vốn ODA rất lớn nhưng tỉ lệ sai phạm là không nhiều. Chính vì vậy, qua các kỳ kiểm điểm về thực hiện vốn ODA, các nước luôn đánh giá Việt Nam nằm trong số những nước thực hiện hiệu quả. Tuy cũng có những dự án sai phạm, không hiệu quả nhưng chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” và chúng ta đều đã xử lý rất nghiêm. Ở các dự án (của Đan Mạch) này, chúng ta mới chỉ có thông tin và sẽ phải kiểm tra lại.
* Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng do “con sâu làm rầu nồi canh”?
- Nhà nước chúng ta đánh giá rất cao vai trò của nguồn vốn ODA và xin khẳng định lại rằng đây không phải lần đầu tiên chúng ta nhận ODA mà là cả chục năm nay rồi và chúng ta đã sử dụng có hiệu quả. Với các dự án này, cần phải kiểm tra, sau khi có kết luận chúng ta mới đánh giá và xử lý. Chúng tôi tin các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đánh giá cao Việt Nam.
Hiện mới chỉ có thông tin bước đầu từ phía Đan Mạch đưa ra và như tôi nói, chúng ta phải điều tra, kiểm tra các dự án đã. Sáng nay, tôi nghe tin các chủ dự án sẵn sàng cung cấp thông tin.
* Còn phía Bộ Ngoại giao?
- Bộ Ngoại giao đã gặp đại diện Đại sứ quán Đan Mạch. Đại diện Việt Nam tại Đan Mạch cũng đã gặp phía Đan Mạch để yêu cầu cho biết tình hình cụ thể. Tại Việt Nam, chúng tôi đã gặp đại diện Đại sứ quán Đan Mạch để đề nghị cho biết ý kiến. Tất nhiên, phải có kết quả điều tra mới có ý kiến. Về điều tra đầu tiên các chủ dự án, tiểu dự án tại Việt Nam phải báo cáo.
Đơn vị thực hiện dự án phải chịu trách nhiệm Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết ông không bất ngờ khi Đan Mạch ngừng 3 dự án ODA dành cho Việt Nam. Theo ông Kiêm, nguyên nhân quan trọng dẫn đến vụ việc này là do cách quản lý, điều hành thiếu sâu sát, không rõ trách nhiệm nên khi xảy ra tiêu cực không biết quy cho ai, quy rồi cũng không biết xử thế nào… Ông cho rằng trách nhiệm chính trong việc Đan Mạch ngừng 3 dự án ODA phải thuộc về cơ quan thực hiện. 5 tháng, giải ngân 530 triệu USD vốn ODA Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) năm 2012 đã khai mạc ngày 4-6 tại TP Đông Hà - Quảng Trị. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch - Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết năm 2012, kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự cố gắng của Chính phủ và các cấp, ngành, 5 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu, đúng hướng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; chính sách tiền tệ, tín dụng được điều hành chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm 2012, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước ước đạt 66.000 tỉ đồng, bằng 36,7% kế hoạch năm; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khoảng 4,51 tỉ USD, vốn ODA giải ngân được 530 triệu USD, đạt 25% kế hoạch… Theo ông Sanjay Kalra, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ban Giám đốc điều hành IMF đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc góp phần làm giảm lạm phát, ổn định tỉ giá hối đoái và xây dựng lại dự trữ ngoại hối cũng như các chính sách định hướng ổn định kinh tế. Tuy nhiên, ông lưu ý nguy cơ dễ bị tổn thương vẫn hiện hữu và nhấn mạnh không nên áp dụng các chính sách nới lỏng quá sớm, cũng như cần đẩy nhanh hơn những cải cách kinh tế. Theo IMF, trong các nguy cơ đối với triển vọng kinh tế năm 2012 có việc mất niềm tin của thị trường vào định hướng chính sách của Chính phủ. Duy trì niềm tin của công chúng là rất quan trọng nên để đạt mục tiêu này, các chính sách của Chính phủ cần bảo đảm sự ổn định và giải quyết những yếu kém tại khu vực tài chính. Các chính sách kinh tế vĩ mô cần thận trọng để củng cố những thành quả ổn định đã đạt được gần đây. Do vẫn còn nguy cơ suy giảm niềm tin, IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện thận trọng sự cắt giảm lãi suất cũng như các chính sách tiếp theo. Cần ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng thêm dự trữ ngoại hối, ngay cả khi phải chấp nhận tăng trưởng có thể chậm hơn một chút trong ngắn hạn…
Bình luận (0)