xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lần đầu lên Xì-phố...

(Trích từ facebook của Nguyễn Triều)

Ông nhướng cặp mắt nhìn cái mặt (lúc đó chắc dễ thương) của tui rồi đẩy xe biểu tui trèo lên. "Bao nhiêu tiền dzị chú?"- tui vừa hỏi vừa lo. Ổng nhìn tui tròn mắt: "Mầy nói hổng biết đường thì tao chở đi, trả bao nhiêu cũng được"!

Số là mấy hôm nay theo dõi kỳ thi THPT quốc gia, thấy trên báo, trên mạng rôm rả chuyện có nên chăm lo, bảo bọc cho mấy em sĩ tử đến thế hay không. Người nói "nên" có lý, người bảo "không" cũng nhiều ý không sai.

Tui chỉ mượn cớ kể chuyện mình, cái lần đầu tiên đặt chân tới Xì-gòn.

Hồi đó, nhà nghèo nên hổng được mẹ đưa đi du lịch đó đây như trẻ con bây giờ. Cho tới hết phổ thông, bầu trời của tui chỉ từ nhà, ra ruộng và tới trường. Hiếm hoi được vài lần đi đò ra tỉnh thi học sinh giỏi và 1 lần lên tới Cần Thơ nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ.

Nhờ được tuyển thẳng nên tui không phải lều chõng thi đại học như nhiều bạn cùng lứa, nhưng phải tự mang hồ sơ dự tuyển nộp cho trường trước khi chính thức được gọi nhập học.

Lần đầu tiên tui đặt chân lên đất Xì-gòn là tại bến xe Chợ Lớn, lúc hơn 3 giờ sáng.

Cảm giác đầu tiên là ngợp. Ngợp vì mất phương hướng. Nhìn tứ phía toàn nhà 3-4 tầng, đường sá ngang dọc, chả giống như ở quê nhà cứ trèo lên đọt dừa là bán kính cả chục cây số thu vào tầm mắt.

Từ đây tới Trường đại học KHXH&NV bao xa? Đi đường nào? Dám chắc tía má, nội ngoại tui còn chưa biết!

Nhớ lời mẹ dặn "đường đi ở miệng", tui bớt run và quảy túi ra cổng bến xe. Có mấy chiếc xích lô, xe ôm đậu cập hàng rào nhưng hổng ai ê hê gì với tui hết. Tui rề tới trước một ông đứng tuổi, khuôn mặt có vẻ tin cậy: "Chú cho con hỏi từ đây ra Trường đại học KHXN&NV có xa không? Con dưới Cà Mau lần đầu lên đây, đường sá hổng biết gì hết". Ông nhướng cặp mắt nhìn cái mặt (lúc đó chắc dễ thương) của tui rồi đẩy xe biểu tui trèo lên. "Bao nhiêu tiền dzị chú?"- tui vừa hỏi vừa lo. Ổng nhìn tui tròn mắt: "Mầy nói hổng biết đường thì tao chở đi, trả bao nhiêu cũng được"!

Ổng chở tui từ cổng bến xe, ra đường Nguyễn Thị Nhỏ, quẹo phải vào đường Hùng Vương. Tui nhớ hồi đó cao ốc "3 cây nhang" Thuận Kiều chưa xây xong nhưng đêm khuya nhìn lên cứ thấy nó cao vời vợi. Tui ráng nhẩm tên đường đi qua, để lỡ có bề gì thì lội bộ ngược lại bến xe mà biết đường dzìa xứ.

Rồi xe tới đường An Dương Vương, chạy ngang Đại học Y dược, tới chỗ cơ quan có cái nhà hình giống chiếc phi thuyền (sau này tui biết là trụ sở Quận 5) thì ông xe ôm dừng lại. Tui giựt mình, tim đập thình thịch. "Tao lộn, đi đường này xa mà cũng hổng có dzui", nói rồi ổng quay đầu xe, quẹo chếch về bên phải chỗ mũi tàu của cái công viên. Ổng cho xe băng qua đường, chỗ khúc đường có hai thanh sắt chạy song song phía dưới mà sau này tui được biết là chứng tích của tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho còn sót lại.

Xe chạy chầm chậm vào đường Ngô Gia Tự. Tui còn đang ngửa cổ lên trời nhìn đọt mấy hàng cây dầu chót vót thì ông lái xe lên tiếng: "Coi kỹ nghen mậy, dưới mấy gốc cây đó, tao cá là dưới quê mầy hổng có đâu"!

Úi trời! Đúng là cái xứ thần tiên, quê tui làm gì có mấy chị no nưỡng, trắng tươi đứng yên cho mà nhìn thế này. Tim tui lại đập thình thịch, nhưng hổng phải kiểu đập của 1 phút trước đó.

Xe tới một cái bùng binh, quẹo vào đường Nguyễn Chí Thanh, ngang qua trường Dự bị đại học, ra tới một cái công viên nồng nực mùi thuốc lá thì mới hết các chị xếp hàng dưới gốc cây. Ông lái xe cười khùng khục: "Đã hông mậy?". Tui nín thinh, có nhiều câu hỏi mà hổng dám lên tiếng.

Ông lái xe lại quẹo vô đường An Dương Vương, chỉ cho tui coi "đây là Đại học Sư phạm, bên đây Cao đẳng Sư phạm, tao quẹo trái mày nhìn là thấy Đại học Tự nhiên". Tui mê mẩn ngó phố xá Xì-gòn thênh thang.

Rồi xe cũng tới trước Trường đại học KHXH&NV, cạnh đài truyền hình. Đồng hồ mới 4 giờ sáng mà trường sớm nhất cũng phải 7 giờ sáng mới làm việc. Tui lí nhí: "Đúng là trường này rồi. Nhưng giờ sớm quá, chú làm ơn chở dùm con tới chỗ nào gần đây mà hàng quán gì rồi thả con xuống đó, sáng con đi bộ lại, chứ xuống chờ ở đây vắng quá, con sợ". "Ừ há, vậy tao chở mày qua chợ Thị Nghè nghen, sáng mày đi ngược trở lại mấy trăm mét là tới" - ông vui vẻ. Qua Sở thú, qua cầu là tới chợ, ông lái xe thả tui xuống quán cà phê bên vỉa hè.

Móc tiền ra trả, ông xe ôm lấy 8.000 đồng. "Lấy rẻ cho mầy, nhiêu đây tao đủ sống tới chiều", rồi ông quay qua ông chủ quán, "Anh cho thằng nhỏ ngồi đây nghen, nó uống cà phê chờ sáng để qua trường tổng hợp".

Ông già chủ quán "ừ". Tui ngồi xuống chiếc ghế nhựa, gọi ly trà đá đường, nhấp một ngụm, dựa lưng vào vách tường lim dim tới sáng...

 

Sau khi đăng bài viết "Người Sài Gòn là như thế sao?" Người Lao Động Online nhận được nhiều comment, bài viết liên quan đến tính cách và văn hóa người Sài Gòn, từ đó chúng tôi quyết định mở chuyên mục "Sài Gòn bao dung". Nếu bạn có những câu chuyện cụ thể về con người và vùng đất Sài Gòn đã để lại những ấn tượng tốt trong lòng bạn, xin hãy gửi bài viết về mail online@nld.com.vn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo