Ai có dịp ghé thăm Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP HCM) cũng sẽ bất ngờ với việc học sinh khiếm thị có thể đá bóng, chơi đàn, trổ tài làm nhạc công. Vì sao các em làm được thế? Đó là quá trình khổ luyện của các em và cả sự tận tình chỉ bảo của các thầy cô, trong đó có tập thể Tổ Giáo dục kỹ năng của trường.
Cao quý nghề giáo
Chúng tôi đến Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu lúc các em vừa rời sân trường để trở vào lớp học. Trong lớp chế biến thực phẩm, cô giáo tận tình hướng dẫn các em chế biến món ăn như cắt bầu, chiên trứng, kỹ thuật làm bánh… Em Nguyễn Hữu Phương tự tay làm được bánh flan, yaourt, khoe: "Mọi người thưởng thức sản phẩm em làm khen ngon là em hạnh phúc nhất".
Tại ngôi trường đặc biệt này, sự kiên trì và tình yêu thương của thầy cô giáo đã thắp sáng ước mơ, mở lối vào đời cho bao thế hệ học sinh bất hạnh. Với riêng Tổ Giáo dục kỹ năng, 13 thầy cô giáo đã dày công xây dựng các tiết giáo dục kỹ năng sống cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 7, giúp các em có nhận thức bản thân, giao tiếp xã hội và cả phòng tránh nguy hiểm. Tổ còn thể nghiệm và xây dựng chương trình chức năng, dạy các môn chuyên biệt như kỹ năng sống, chế biến thực phẩm, định hướng di chuyển cùng các môn toán sinh, sử địa… dành cho các em chuyển tiếp THPT. Cô Nguyễn Thị Thu Sương, Tổ trưởng Tổ Giáo dục kỹ năng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, chia sẻ việc hướng dẫn kỹ năng sống cho các em khiếm thị đa tật không hề đơn giản bởi các em không nhìn thấy, câm, điếc… "Có những em khiếm thị đa tật, lớn tuổi, sau hơn 2 giờ hướng dẫn mới sắp xếp được phin cà phê để pha chế. Cứ nhìn thấy các em tự tay làm được như thế là chúng tôi vui lắm" - cô Sương bộc bạch.
Nhờ được dạy định hướng di chuyển, học sinh khiếm thị Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu có thể tự di chuyển và phòng tránh nguy hiểm
Cũng theo cô Sương, các chương trình chuyển tiếp dạy kỹ năng được nhà trường triển khai từ tháng 9-2014. Cô phấn khởi: "Sau khi triển khai học sinh rất thích, phụ huynh đồng tình hưởng ứng. Kết quả, một số học sinh có khả năng độc lập đi lại, đi xe buýt, massage cơ bản, nấu ăn…" - cô Sương nói.
Cô Nguyễn Thị Thu Sương là người góp công lớn trong việc hình thành các bộ môn chuyên biệt của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Năm 2015, cô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cá nhân tiêu biểu trong giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần 3. Một điển hình khác là thầy Nguyễn Văn Thanh, giáo viên dạy môn âm nhạc. Thầy Thanh thực sự là tấm gương cho học sinh noi theo, nhiều năm liền được đề cử là gương tiêu biểu "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ở một tổ đặc biệt của ngôi trường đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, việc học và làm theo lời Bác đã trở thành nếp. "Chúng tôi học Bác từ những điều giản dị nhất, làm hết trách nhiệm bằng tấm lòng yêu thương" - cô Sương bày tỏ.
Xem người nghiện là người bệnh
Lực lượng TNXP TP HCM đang quản lý hơn 4.800 người cai nghiện ma túy. Để quản lý tốt các đối tượng này, Ban Chỉ huy Lực lượng TNXP TP quán triệt các trường, cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuần tra đêm, tuần tra vành đai, kiểm tra hành chính nơi ở và tư trang học viên, phòng chống thẩm lậu các mặt hàng cấm; giám sát chặt chẽ học viên sau khi tham gia các hoạt động. Cùng với đó là xây dựng và triển khai các phương án phòng chống bạo động, trốn trường, trại; phối hợp với địa phương ký kết kế hoạch liên tịch bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn…
Tuy nhiên, Ban Chỉ huy cũng xác định không được xem họ là người nghiện mà là người bệnh cần được điều trị cả về thể xác lẫn tinh thần. Bà Cao Linh Phụng, Trưởng Ban Tuyên giáo Lực lượng TNXP TP HCM, nói: "Khâu phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục lối sống nhân cách, giáo dục kỹ năng phòng chống tái nghiện, giá trị sống và giáo dục sức khỏe rất được chú trọng, lồng ghép với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Phải thật sự khéo léo mới có thể giúp họ vượt qua mặc cảm để tái hòa nhập cộng đồng".
Cũng theo bà Cao Linh Phụng, từ khi triển khai cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở các trường, cơ sở giáo dục, bằng những việc làm cụ thể như cùng ăn, cùng học tập, cùng làm việc với người cai nghiện, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, viên chức, người lao động trong các đơn vị ngày càng được nâng cao, hiệu quả công việc cũng từ đó tốt hơn.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ các trung tâm, các trường, cơ sở giáo dục, trong đó có các trường, cơ sở giáo dục thuộc Lực lượng TNXP TP HCM. Các cán bộ, nhân viên của các đơn vị đã không ngại khó khăn, thiếu thốn vật chất, xa gia đình để đến với người cai nghiện giúp người cai nghiện sớm trở về với cộng đồng.
Tuyên dương 162 tập thể, 240 cá nhân
Tại lễ kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890-19.5.2017) tổ chức sáng 19-5, Thành ủy TP HCM đã tuyên dương 162 tập thể, 240 cá nhân thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016-2017.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Tất Thành Cang cho biết qua 1 năm thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP có sự chuyển biến tích cực. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu, làm theo Bác với những việc làm rất cụ thể trên nhiều lĩnh vực, trong nhiều giới, ngành, nhiều tầng lớp, thành phần xã hội đang từng ngày, từng giờ làm đẹp phố phường, nâng cao chất lượng mọi mặt cuộc sống.
Ông Tất Thành Cang mong muốn các tấm gương tiêu biểu tiếp tục rèn luyện, phấn đấu giữ vững và phát huy phẩm chất tốt đẹp, làm tấm gương cho mọi người noi theo; là đóa hoa ngát hương giữa cuộc đời, lan tỏa tình yêu thương sẻ chia với cộng đồng.
Bình luận (0)