xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Làng nghề hấp hối: Ngày tàn không xa!

NHÓM PHÓNG VIÊN

Thu hẹp sản xuất hoặc phải đóng cửa hàng loạt; thế hệ nghệ nhân lão làng ít dần trong khi đội ngũ kế cận không có..., hầu hết các làng nghề đứng trước nguy cơ tàn lụi

Hà Nội được mệnh danh là đất trăm nghề với 1.530 làng nghề (chiếm khoảng 50% số làng nghề trên cả nước), trong đó có 281 làng nghề truyền thống thuộc 47 nhóm nghề. Kinh tế suy thoái, hàng nước ngoài giá rẻ tràn vào khiến các làng nghề truyền thống điêu đứng.

“Lửa cháy hai đầu”

Làng Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội là làng nghề mây tre đan nổi tiếng nhất nước với gần 400 năm tuổi nghề. Từng được mệnh danh là “làng tỉ phú” nhưng về Phú Vinh giờ chỉ nghe những tiếng than thở. Quy mô sản xuất giảm đến 50%, nhiều công ty, cơ sở sản xuất đã bỏ nghề, đóng cửa từ lâu. Hàng làm ra không bán được nên thu nhập của dân làng nghề rất thấp. Chị Hằng, một người thợ trong làng, ví von rằng người làng nghề giờ phải sống trong cảnh “lửa cháy hai đầu” - khách hàng thì ép giá; nguyên liệu đầu vào và công lao động tăng cao.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Chung cho biết các thị trường chính như: Nga, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều giảm nhập khẩu mặt hàng này. Đơn hàng mới không có, việc ít nên nhiều người dân đã chuyển sang làm nghề khác như buôn bán hoặc đi làm công nhân cho những KCN quanh vùng để kiếm sống. Trước đây, Phú Vinh có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng nay chỉ còn vài cơ sở hoạt động cầm chừng trong khó khăn.
img
Nghề đúc đồng ở Ngũ Xã (Hà Nội) đang dần mai một vì ít hộ trong làng theo nghiệp cha ông. Ảnh: VĂN DUẨN
 
Theo ông Hoàng Văn Hạnh, chủ cơ sở sản xuất mây tre đan Hoàng Hạnh, người trong làng giờ làm chỉ được 30.000 đồng/ngày, thợ giỏi trong làng cũng chỉ được 70.000 đồng/ngày, công nhân của tổ hợp đang phải làm cầm cự, doanh thu giảm mạnh, có nguy cơ phải đóng cửa.
 
“Chúng tôi không biết sẽ cầm cự được bao lâu nữa. Nếu không giữ được nghề, đó sẽ là nỗi đau rất lớn đối với người Phú Vinh” - ông Hạnh tâm sự. Theo ông Hạnh, nguyên liệu để làm sản phẩm chỉ có theo mùa, giá thì tăng chóng mặt, người dân phải sống trong cảnh “bắc nước chờ gạo làng”, thi thoảng mới có đơn hàng mới...
 
Nằm bên dòng sông Hương, làng đúc đồng Phường Đúc và Thủy Xuân (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ra đời từ thế kỷ XVII. Đến nay, làng nghề đúc đồng Phường Đúc chỉ còn lại 61 cơ sở sản xuất của 58 hộ gia đình, một DNTN và 2 HTX. Dù Thừa Thiên - Huế đang vào mùa cao điểm du lịch nhưng khu trưng bày và bán sản phẩm của Phường Đúc có 12 ki-ốt thì chỉ 50% trong số này hoạt động thật sự.
 
Chị Nga, người bán sản phẩm của cơ sở đúc đồng Nguyễn Thắng Tín, thở dài: “Bán buôn ế ẩm quá nên người ta đóng quán để khỏi tốn tiền thuê nhân viên”. Chúng tôi ghé nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Thùy (76 tuổi), thấy ông đang thư thái ngồi uống nước trà, đứa con trai thứ năm kế nghiệp ông do không có việc nên tranh thủ ngủ. “Hơn 1 tháng trở lại đây có khách hàng nào đặt hàng đâu” - ông Thùy chán nản.

Theo ông Hồ Văn Vàng, Chủ tịch Hội Nghề gốm tỉnh Vĩnh Long, năm 2007, làng nghề sản xuất gốm xuất khẩu ở Vĩnh Long có 120 cơ sở nhưng nay còn 32, trong đó chỉ có khoảng 20 cơ sở hoạt động thường xuyên. Năm 2012, toàn ngành gốm sản xuất được gần 12 triệu sản phẩm, đạt chưa tới 60% kế hoạch năm, giảm 20% so với năm 2011. Với tình hình này, nếu không có sự chuyển đổi, cải tiến công nghệ để tiết kiệm nhiên liệu thì làng nghề truyền thống lâu đời ở Vĩnh Long bị lụi tàn là điều khó tránh khỏi.

Bỏ nghề hàng loạt

Bi đát hơn, làng nghề the La Khê ở quận Hà Đông, TP Hà Nội nay chỉ còn 2 người gồm 1 già và 1 trẻ đang kế tục, giữ nghề nhưng họ cũng đang cảm thấy buồn tủi vì quá đơn độc. Làng đúc đồng Ngũ Xã nằm bên hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội từng nức danh khắp chốn hàng trăm năm nay cũng còn vỏn vẹn 2 hộ theo nghề. Thời thịnh vượng, cả làng theo nghề của cha ông, cuộc sống khá sung túc khi đơn đặt hàng làm không hết.
 
img
Trung tâm giới thiệu sản phẩm của làng đúc đồng Phường Đúc (Thừa Thiên - Huế) vắng bóng người mua. Ảnh: QUANG NHẬT
 
Nay làng Ngũ Xã đã lên phố, đi khắp làng chỉ thấy quán ăn, cửa hàng, nhà nghỉ. Anh Thanh Long, con của nghệ nhân đúc đồng nổi tiếng Nguyễn Văn Ứng, không biết có thể bám trụ được đến bao giờ. “Để làm ra một sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn như tạo mẫu, tạo hình, khuôn đúc, sửa nguội, hoàn thiện, có khi mất tới cả tháng mới xong. Tính ra tiền công chẳng đáng là bao” - anh Long nói.
 
Cũng như vậy, thôn Lư Cấm, phường Ngọc Hiệp, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn 5 hộ theo nghề gốm và chủ yếu làm lò đất nung. Ông Lê Văn Sương, một người bám nghề gần 30 năm, cho biết: “Mấy đứa con tôi đều lo học hành cả, nghe đến làm bếp là tụi nó sợ luôn. Nghề cực quá, mà hàng làm ra ngày càng ế”.
 
Cũng suy nghĩ như vậy, bà Ngô Thị Đan, nghệ nhân thứ hai còn làm nghề đúc đồng tại Ngũ Xã (Hà Nội), ngậm ngùi: “Chẳng thể trách người dân bỏ đi làm nghề khác. Khi giá bán rẻ mạt, không xứng với công lao động thì làm sao có thể bắt họ giữ nghề”.
 
Theo ông Trần Túc ở làng nghề Mã Châu (Quảng Nam), nhân công ngành dệt hiện rất khó kiếm bởi thu nhập thấp nên thợ đã chuyển hầu hết sang làm công nhân nhà máy. Vì tìm không ra lao động nên các cơ sở dệt lụa tơ tằm cũng chết dần chết mòn...
 

Nguy cơ thất truyền

Theo nghệ nhân Dương Ngọc Tiễn ở làng nghề Phước Kiều (Quảng Nam), số lao động theo nghề giảm dần. “Nhà nhà ở làng này không muốn con theo nghề thủ công đúc đồng mà phần lớn cho đi học. Lao động không có thì xưởng sản xuất mở ra nhiều lấy ai làm” - ông Tiễn nói.
 
Bà Ngô Thị Đan (làng đúc đồng Ngũ Xã), chua chát nói rằng quy ước của làng Ngũ Xã bấy lâu nay không truyền nghề ra ngoài nhưng giờ đây, những người như bà Đan lại đang ngày ngày phải truyền dạy các kỹ thuật tinh túy nhất cho cánh thợ đến từ Nam Định, Thanh Hóa... vì sợ thất truyền.

Kỳ tới: “Chết” vì chụp giật, lỗi thời

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo