Lấy từ tủ ra đôi đũa tre của một làng nghề ở Nhật Bản, ông Lưu Duy Dần,Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: Giá xuất khẩu đôi đũa này lên đến 10 USD. Đắt nhưng quả thực sản phẩm rất đẹp, vẫn giữ được màu xanh của tre gần như ban đầu.
Thợ làng nghề cần được đào tạo
Theo ông Dần, hiện cả nước có khoảng 3.500 làng nghề, trong đó 2.000 làng nghề đã được công nhận, 400 làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi với 53 nhóm nghề và 200 loại sản phẩm thủ công. Các làng nghề đã thu hút, tạo việc làm cho khoảng 12 triệu lao động phụ lúc nông nhàn. Tuy nhiên, nhiều làng nghề đang gặp khó khăn như thiếu vốn, thị trường, mặt bằng sản xuất.
Ngoài nguyên nhân do kinh tế suy thoái thì có lý do mẫu mã sản phẩm của các làng nghề quá đơn điệu, nghèo nàn về ý tưởng; những phố nghề bị biến dạng, nghệ nhân làng nghề không được quan tâm chu đáo về mặt vật chất và tinh thần. Thị trường tiêu thụ sản phẩm thủ công truyền thống ngày càng thu hẹp do khách hàng đòi hỏi rất cao. Họ không chấp nhận loại sản phẩm làm ra theo kiểu nhỏ lẻ, làm dối, chất lượng kém. “Chúng ta phải hội nhập chứ không thể cứ khư khư giữ mãi cái cũ đã lạc hậu là không ổn” - ông Dần khẳng định.
Đầu tư cho du lịch làng nghề
Do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, nhiều làng nghề đã linh động kết hợp với các công ty du lịch tổ chức cho khách tham quan, tận mắt chứng kiến những người nghệ nhân biểu diễn tài năng. Ông Lê Văn Chương, một nghệ nhân ở làng gốm sứ Lư Cấm (Khánh Hòa), kể: “Du khách về đây thường xuyên lắm! Mỗi lần làm cho họ xem, chúng tôi cũng có ít tiền. Nhiều người còn muốn chúng tôi làm những cái bếp nho nhỏ để họ mang về làm quà kỷ niệm”.
Dù vậy, theo ông Lê Văn Hoa, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Khánh Hòa, những hoạt động du lịch này chỉ mang tính tự phát, nhỏ lẻ, đem lại thu nhập không đáng kể cho các thợ gốm. Hiện nay, việc bảo tồn làng nghề Lư Cấm chỉ mới dừng lại ở các nghiên cứu chứ chưa nhận được những dự án hỗ trợ thiết thực. “Theo tôi, để bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống cần sự chung tay của cộng đồng. Cơ quan chức năng nên khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đứng ra đầu tư xây dựng tour, tuyến làng nghề có thu phí để hỗ trợ các hộ dân” - ông Hoa nói.
Tại tỉnh Quảng Nam, Mã Châu và Phước Kiều là 2 trong số 219 làng nghề đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển làng nghề kết hợp du lịch, bắt đầu triển khai trong năm 2014. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, cho rằng việc phát triển du lịch sẽ vực dậy các làng nghề, thêm nguồn thu nhập cho người dân. Một số làng nghề như gốm Thanh Hà, rau Trà Quế ở TP Hội An đã thu hút rất đông du khách đến tham quan. Tuy nhiên, theo ông Cường, các làng nghề trên phát triển được nhờ nằm trong nội thành thành phố du lịch nên dễ kết hợp du lịch với làng nghề.
Trước đó, năm 2004, UBND tỉnh Quảng Nam đã dành 16 tỉ đồng để phát triển du lịch tại 3 làng nghề, trong đó có Mã Châu và Phước Kiều nhưng hiện tại, 2 làng nghề này đang “chết” dần vì ế ẩm, các hộ dân không mặn mà làm du lịch. Theo ông Cường, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ phối hợp với huyện Duy Xuyên và huyện Điện Bàn thúc đẩy 2 làng nghề trên phát triển theo hướng du lịch. Trước mắt sẽ xây dựng các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm và xưởng sản xuất để thu hút khách du lịch, đồng thời gắn 2 làng nghề vào các tour du lịch kết hợp với di tích Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) và các điểm du lịch khác tại tỉnh Quảng Nam.
Nỗ lực tìm đầu ra Từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2015, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam sẽ triển khai chương trình trọng điểm xúc tiến thương mại với thông điệp “Doanh nghiệp làng nghề liên kết để phát triển” và “Sản phẩm làng nghề Việt Nam chất lượng cao - hội nhập toàn cầu”. Ông Lưu Duy Dần kỳ vọng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước cùng những hướng đi cụ thể của các thành viên hiệp hội, sẽ tìm được đầu ra cho các sản phẩm làng nghề, giúp dân làng nghề có thể sống được rồi mới mong họ gìn giữ tổ nghề của cha ông. “Quan trọng nhất vẫn là kết nối cung - cầu, liên kết giữa doanh nghiệp với nhau để tìm đầu ra cho sản phẩm, thông qua các hội chợ triển lãm để quảng bá; xúc tiến thương mại và hội nghị khách hàng để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm” - ông Dần nói. |
Bình luận (0)