Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu nằm bên cạnh bến thuyền Tam Cốc, thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngôi làng có diện tích trên 20.000 m2, cách TP Ninh Bình khoảng 5 km về phía Tây Nam, như một làng quê Bắc Bộ Việt Nam cổ kính cách ngày nay vài trăm năm.
Điều đặc biệt của làng Việt cổ đó là hình ảnh thu nhỏ về làng quê Bắc Bộ thời trước với gần 30 nếp nhà có niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20, được làm từ các loại gỗ quý cùng những đường nét chạm khắc hoa văn tinh tế, sống động.
Hình ảnh làng quê Bắc Bộ hàng trăm năm trước được tái hiện tại không gian du lịch Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu
Những căn nhà cổ này được chủ nhân Cố Viên Lầu sưu tầm, quy tụ từ nhiều làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi công trình ở đây đều mang trong nó những câu chuyện riêng. Bên trong các nếp nhà là nơi trưng bày rất nhiều vật từng gắn liền với đời sống của người dân Việt Nam từ hàng trăm năm qua như cày bừa, nơm, đó, cuốc, xẻng…
Trong số những ngôi nhà cổ trên, có ngôi nhà cổ Thọ Xuân của một thầy mo ở tỉnh Thanh Hóa gần 200 năm tuổi, ngôi nhà cổ Văn Hải ở huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), xây dựng năm 1853 hay những ngôi nhà cổ ở huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình)… với đủ các kiểu dáng, kiến trúc độc đáo.
Làng Việt cổ có không gian được bài trí với đường làng quanh co, ngõ xóm nối liền nhau, cây đa, bến nước, sân đình, con đò.... Mỗi căn nhà có một kiểu ngõ vào phù hợp với nhà và tường rào bao quanh… Trong làng không chỉ có nhà dân mà còn có đình làng. Đây là ngôi đình cổ được đưa về từ huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam) với diện tích hơn 100 m2, tạo cho ngôi làng dáng vẻ vừa cổ kính, vừa tôn nghiêm.
Đến với điểm du lịch Làng Việt Cổ - Cố Viên Lầu, du khách còn được tìm hiểu về giá trị văn hoá của các cổ vật qua các thời đại đồ đá, đồ đồng, đồ gốm sứ… Đồng thời được hoà mình vào những trò chơi dân gian, thưởng thức những món ăn đặc sản, dân dã của tỉnh Ninh Bình và được nghỉ ngơi trong một không gian cổ kính bên cạnh phong cảnh hùng vĩ của núi non, hang động và sông nước nơi đây.
Đặc biệt, khi đến thăm làng Việt cổ, du khách còn được ghé thăm ngôi nhà độc đáo làm bằng tranh, vách đất, đó là căn nhà của gia đình chị Dậu (nhân vật trong tác phẩm “Tắt đèn” của cố nhà văn Ngô Tất Tố). Căn nhà được phục dựng theo nguyên mẫu nhà chị Dậu với 3 gian chính. Vật liệu làm nhà chủ yếu là tre, nứa, đất sét, rơm, rạ… Nhà có một cửa chính đi vào ở gian giữa, hai bên hai cửa sổ, trong nhà có các dụng cụ sinh hoạt như chõng tre, giường tre, bàn ghế tre…
Một số hình ảnh về Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu trên đất cố đô Ninh Bình:
Cổng làng đơn sơ, giản dị và yên bình dẫn vào những ngôi nhà cổ độc đáo được chủ nhân sưu tầm từ nhiều địa phương ở đồng bằng Bắc Bộ
Những ngôi nhà cổ được sưu tầm từ các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa - đây là những ngôi nhà có từ hàng trăm năm trước
Những nếp nhà xưa với những kiến trúc độc đáo
Phía trong 1 ngôi nhà cổ ở Cố Viên Lầu
Những ngôi nhà ngói rêu phong cổ kính nép mình bên những bụi chuối, vườn cây tạo cho chúng ta 1 cảm giác yên bình, thư thái - Ảnh: AB
Hình ảnh đường làng với hai bên đường có hàng cau, cây chuối, bụi dong
Hình ảnh ngôi nhà tranh, vách đất của gia đình chị Dậu (nhân vật trong tác phẩm "Tắt Đèn" của cố nhà văn Ngô Tất Tố) - Ảnh: AB
Ngôi nhà chị Dậu được trưng bày rất nhiều các dụng cụ lao động xưa như chiếc cày, bừa, rổ, rá, cây rơm, giếng nước... là một trong những ngôi nhà gây sự chú ý và thích thú cho du khách - Ảnh: AB
Làng Việt cổ - Cố Viên Lầu nằm cạnh danh thắng Tam Cốc - Bích động nên rất thuận lợi cho du khách tới vãn cảnh, tham quan vùng đất cố đô xưa
Bình luận (0)