Xung quanh việc Tổng cục Hải quan lập đường dây nóng (ĐDN) để doanh nghiệp (DN) phản ánh khó khăn, vướng mắc, nhũng nhiễu, tiêu cực..., nhiều DN, hiệp hội hoan nghênh sự cầu thị này. Thế nhưng, họ mong muốn ngành hải quan phải làm thực chất để tạo sự tin tưởng cho cộng đồng DN.
Xử lý trong 30 phút
ĐDN của Tổng cục Hải quan thiết lập trên tổng đài 19009299 từ ngày 15-11 với chế độ hoạt động 24/24 giờ suốt 7 ngày trong tuần. Các đơn vị quản lý, sử dụng và tiếp nhận tin báo qua ĐDN gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Cục Giám sát quản lý về hải quan; cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố; các chi cục và tương đương trực thuộc cục hải quan.
Trong đó, ĐDN do các cục hải quan và chi cục hải quan quản lý, sử dụng có nhiệm vụ tiếp nhận tất cả cuộc gọi liên quan đến tin báo về tội phạm; hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của công chức hải quan và các tin báo liên quan đến thủ tục hải quan. Còn ĐDN của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Hải quan nhận tin nhắn theo lĩnh vực mình phụ trách, giám sát.
Theo quy chế, cục hải quan các tỉnh, thành, liên tỉnh và các đơn vị tương đương phải có trách nhiệm xử lý các tin báo, báo cáo kết quả thực hiện trong tuần làm việc về Tổng cục Hải quan. Các loại tin báo sẽ được xử lý ngay sau khi tiếp nhận 30 phút. Khi có kết quả xử lý tin báo phải ghi trên phần mềm quản lý, báo cho thủ trưởng đơn vị trực tiếp xử lý vụ việc.
Việc Tổng cục Hải quan lập ĐDN đã nhận được sự đồng tình của cộng đồng DN. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng có thêm một kênh để DN phản ánh khó khăn, vướng mắc cũng như bị nhũng nhiễu trong quá trình làm thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa là quá tốt.
Dù vậy, theo ông Hòe, để ĐDN hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý phải áp dụng quy trình giải quyết nhanh chóng, hợp lý, từ đó mới tạo tin tưởng cho DN. “Muốn biết ngành hải quan có cầu thị thật sự hay không, DN nên gọi trực tiếp đến ĐDN về khó khăn, vướng mắc của mình và quan sát cách giải quyết của họ. Theo tôi, thời gian qua, ngành hải quan đã có rất nhiều cải thiện trong quá trình thông quan hàng hóa, giúp DN thuận lợi hơn khi làm thủ tục xuất nhập khẩu” - ông nhận xét.
Phải công khai, minh bạch
Cho rằng việc ngành hải quan lập ĐDN là cần thiết nhưng một số hiệp hội ngành hàng cũng bày tỏ băn khoăn vì không phải DN nào cũng sẵn sàng phản ánh vì sợ ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, việc DN có phản ánh tới ĐDN hay không mới là điều đáng nói. Với ngành dệt may xuất khẩu, thời gian qua, thủ tục thông quan hàng hóa không có nhiều vướng mắc lớn, thủ tục hải quan cũng đã cải thiện hơn trước. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào DN cũng mặn mà phản ánh đến ĐDN vì khá nhiều DN dệt may quy mô nhỏ, không muốn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.
Quan trọng hơn, theo tổng giám đốc một DN xuất khẩu cà phê và tiêu khá lớn tại TP HCM, phản ánh đến ĐDN xong, cơ quan quản lý sẽ tiếp thu và giải quyết như thế nào, có công khai sự việc không và bảo mật thông tin của người gọi đến ra sao? Bởi lẽ, nếu DN phản ánh cụ thể việc bị nhũng nhiễu, tố cáo tiêu cực thì sẽ sợ ảnh hưởng đến hoạt động của mình; trong khi nếu chỉ nêu chung chung sự việc thì cơ quan hải quan sẽ không có cơ sở để giải quyết, xử lý thỏa đáng.
“Không chỉ hải quan mà nhiều ngành khác như thuế, thủ tục hành chính... đều có bất cập, tiêu cực nhưng nhiều DN không phản ánh trực tiếp. Muốn ĐDN hoạt động hiệu quả, cơ quan quản lý phải biến thông tin DN phản ánh thành những hành động cụ thể, giải quyết hợp lý để tạo sự tin tưởng cho người tố cáo. Quan trọng nhất là công khai, minh bạch trong quá trình xử lý” - vị tổng giám đốc này bày tỏ.
Ngoài ra, theo đại diện nhiều DN, trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa, điều họ lo ngại không hẳn là bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu mà là mỗi cán bộ, bộ phận vận dụng luật, quy định theo một cách khác nhau. Điều này làm tốn thêm thời gian, công sức của DN khi làm việc với cơ quan quản lý. Do đó, lập ĐDN phải đi đôi với việc cải tiến năng lực, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức hải quan.
Nghiêm cấm sử dụng vào mục đích cá nhân
Ông Lê Xuân Huế, Chánh Văn phòng Tổng cục Hải quan, cho biết để bảo đảm hiệu quả sử dụng ĐDN cũng như giữ bí mật thông tin cho người phản ánh, nội dung cuộc gọi được ghi âm, lưu trữ và xử lý theo chế độ «mật», «khẩn» như trong các thủ tục văn bản hành chính.
“Tính chung cả hệ thống, có khoảng 200 số trực tuyến tiếp nhận các cuộc gọi được chuyển đến từ tổng đài 19009299. Theo quy chế, việc sử dụng ĐDN vào mục đích cá nhân bị nghiêm cấm” - ông Huế nhấn mạnh.
Bình luận (0)