Kỳ họp thứ 5 HĐND TP HCM khóa IX sẽ diễn ra từ ngày 4 đến 6-7. Trước kỳ họp, cử tri TP đã gửi gắm nhiều tâm tư, nguyện vọng. Một câu chuyện "nóng" khác được cử tri đặc biệt quan tâm đó là khâu lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP trong thời gian qua.
Nguyện vọng tha thiết của cử tri
Cử tri TP bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với chủ trương này, bởi cử tri đánh giá nhiều tuyến đường tại các quận trung tâm sau khi ra quân lập lại trật tự, vỉa hè đã thông thoáng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cấp bách cần các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm tìm ra biện pháp giải quyết làm sao bảo đảm trật tự đô thị nhưng không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. "TP cần nghiên cứu lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè để dung hòa giữa trật tự đô thị và cuộc mưu sinh của người dân để chủ trương này thật sự có hiệu quả và đi vào lòng người" - cử tri quận 4 gửi gắm. Những gửi gắm này thực tế cũng là đề nghị của rất nhiều cử tri quận khác trên địa bàn.
Ngoài ra, cử tri một số quận - huyện rất tâm tư vì khi vỉa hè bị tái lấn chiếm nếu có "cơ quan chức năng đến thì chấp hành nhưng đi qua thì đâu lại vào đấy". Điển hình một số nơi buôn bán trên địa bàn quận 1, từ khi lực lượng chức năng của quận không tổ chức ra quân mà giao lại cho phường quản lý thì tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè để buôn bán đã bắt đầu xuất hiện trở lại, ô tô đậu trái phép trên vỉa hè cũng diễn ra tràn lan, hàng chục người bán giày dép, mũ bảo hiểm ngang nhiên bày hàng hóa tràn ra hết vỉa hè. Do đó, cử tri đề nghị chính quyền địa phương cần ra quân thường xuyên để giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Đường Nguyễn Thái Học (quận 1) bị tái lấn chiếm Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cử tri còn đặc biệt lưu ý hiện nay TP và các quận, huyện đã thực hiện việc giải phóng vỉa hè giúp người dân đi lại dễ dàng nhưng lại có thông tin TP sẽ cho thuê vỉa hè làm cho người dân hiểu lầm là TP dọn dẹp vỉa hè để cho thuê. Theo cử tri quận Phú Nhuận, chính quyền cần có sự giải thích rõ với dân về chủ trương này. Còn phí thuê vỉa hè TP cũng nên tính toán lại mức thu cho phù hợp với từng địa bàn.
Quận 1 bao giờ có "phố hàng rong"?
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã nhiều lần khẳng định song song với việc tái lập trật tự lòng đường, vỉa hè, chính quyền phải có trách nhiệm bảo đảm sinh kế cho người dân. Một trong những sinh kế mà lãnh đạo TP đốc thúc các quận, huyện là sớm bố trí điểm buôn bán tập trung cho những đối tượng trước đây mưu sinh trên vỉa hè. Điểm lại thì đến giờ "phố hàng rong" đếm chưa qua khỏi một bàn tay.
Nói đến "phố hàng rong" sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến quận 1. Quận 1 là địa phương khởi điểm chiến dịch ra quân lập lại trật tự lòng lề. Trước chiến dịch ra quân, quận 1 cũng là địa phương đầu tiên có kế hoạch thực hiện đề án quy hoạch khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường.
Lần đầu tiên quận 1 xác nhận việc thực hiện đề án quy hoạch thí điểm khu vực kinh doanh ăn uống theo thời gian quy định ở một số tuyến đường tại quận 1 là tại cuộc họp báo về kinh tế - xã hội vào cuối tháng 3 năm ngoái. Khi ấy, Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Thị Thu Hường cho biết mục đích của đề án là nhằm tổ chức, sắp xếp cho người dân có hoàn cảnh khó khăn đang kinh doanh lấn chiếm vỉa hè vào khu vực thí điểm để quản lý, hỗ trợ. Chủ tịch UBND quận 1 cũng từng khẳng định đây không chỉ là chủ trương mà còn là quan điểm, đạo lý của người Việt Nam và chính quyền. "Trong các nghị quyết của Thành ủy, chỉ đạo của UBND TP cũng nhấn mạnh khi tổ chức lại vỉa hè, không phải là đẩy đuổi người dân. Bên cạnh việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì phải rà soát các vị trí đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán, bảo đảm cuộc sống. Chính quyền phải làm cho người dân hiểu được chủ trương này để họ đồng thuận và ủng hộ, như thế mới ổn định lâu dài" - ông Thuận nói.
Thế nhưng, đến nay, quận 1 vẫn chưa có "phố hàng rong". Mới đây, ông Thuận cho biết phố ẩm thực trên đường Nguyễn Văn Chiêm và tại Công viên Bách Tùng Diệp - hai địa điểm dự định mở ra để bố trí chỗ buôn bán cho người bán hàng rong - vẫn chưa được hình thành. Trước tiến độ của quận 1, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu quận 1 khẩn trương bố trí người bán hàng rong vào buôn bán tại địa điểm được quy hoạch, bảo đảm vệ sinh, mỹ quan đô thị.
Còn nhiều "phố hàng rong" trên giấy
Ngoài quận 1, tại một số quận huyện khác, "phố hàng rong" vẫn đang nằm trên giấy. Ông Đoàn Quang Luân, Trưởng Phòng Kinh tế UBND quận 6, hứa hẹn vài tháng tới, nơi đây cũng ra mắt "chợ hàng rong" với quy mô từ 60-100 gian hàng. Theo đó, UBND quận 6 sẽ tận dụng diện tích đất rộng 840 m2 trước chợ Phú Lâm để làm địa điểm cho người bán hàng rong kinh doanh. Để bảo đảm tính linh hoạt, ban ngày nơi đây sẽ làm bãi giữ xe máy. Từ 17 giờ đến 24 giờ sẽ tận dụng làm mặt bằng kinh doanh cho những người nghèo.
Còn tại quận 9, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Minh Tuấn Anh cho hay hiện địa phương tồn tại 4 khu chợ tự phát. Nếu cách đây hơn nửa năm có mặt ở 4 chợ nói trên, xe máy rất khó khăn đi qua lại. Thực hiện việc "đòi" lại vỉa hè, mọi hoạt động buôn bán nay đã vào nền nếp, hàng quán dẹp vào trong, mỹ quan được bảo đảm. Ông Anh khẳng định: "Bốn khu chợ nói trên sẽ là nơi quận sắp xếp cho những người bán hàng rong kinh doanh, tránh việc bán lấn chiếm vỉa hè". Bà Vũ Thị Thu Hà - Chủ tịch UBND phường Tân Phú, quận 9 - cho biết trong tuần này phường sẽ có báo cáo UBND cấp quận về việc tận dụng khu đất thuộc dự án "treo" Vành đai 2 để làm chợ cho dân bán hàng rong, nằm gần giao lộ Nam Cao - Cầu Xây. Dự kiến, nơi đây sẽ rộng từ 2.000-3.000 m2, bảo đảm cho hàng trăm người vào đây buôn bán. Do nơi đây sẽ là chợ hàng rong tạm nên không cho những người buôn bán xây công trình kiên cố hay bán kiên cố mà chỉ che dù, che bạt. Bà Hà thông tin: "Hiện dự án Vành đai 2 cỏ mọc um tùm, đất bỏ hoang và dự án chưa chọn được chủ đầu tư nên khả năng triển khai còn rất lâu. Song song gom hàng rong về nơi đây, địa phương sẽ khôi phục lại 2 khu chợ gồm chợ Tân Phú và Xóm Chiếu theo hướng xã hội hóa. Đến khi 2 chợ truyền thống nâng cấp, dời những người hàng rong về buôn bán và trả lại mặt bằng dự án".
Thảo luận sâu về lòng đường, vỉa hè
Tại kỳ họp thứ 5, HĐND TP HCM khóa IX, UBND TP HCM sẽ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2017; kết quả giải quyết các kiến nghị của cử tri; báo cáo các tờ trình của UBND TP. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP thông báo về tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2107. Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP báo cáo thẩm tra nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017; báo cáo thẩm tra các tờ trình của UBND TP...
Đặc biệt, trong phiên thảo luận của đại biểu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2017, việc lập lại trật tự lòng lề đường là một trong những nội dung trọng tâm mà Thường trực HĐND TP sẽ đề nghị đại biểu thảo luận sâu nhằm đánh giá kết quả đã đạt được, đồng thời tính toán các giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Dự kiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sở - ngành sẽ diễn ra vào ngày thứ 3 của kỳ họp.
Ph.Anh
Đi sau về trước
Ý tưởng về "phố hàng rong" xuất hiện sớm nhất từ quận 1 nhưng "phố hàng rong" đầu tiên ở TP HCM lại ở Tân Bình. Nói về điều này, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, ông Lê Thanh Bình, nhìn nhận hình thành "phố hàng rong" ở chợ Phạm Văn Hai đã giải quyết được hàng chục hộ dân của phường 2 và 3, từ đó bài toán tái chiếm đã được giải quyết. "Dự kiến thời gian tới, quận đang nghiên cứu khảo sát hình thành 2 phố hàng rong gồm 2 chợ Tân Bình, Bàu Cát và sẽ là tin vui cho đông đảo gánh hàng rong khác" - ông Bình kỳ vọng. Trong khi đó, quận Bình Tân với khu chợ Tám Đoàn và quận Tân Phú với chợ Năm Hấp đã giải quyết việc làm cho gần 100 gánh hàng rong.
Một đoạn mặt tiền chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) được tổ chức cho người bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn buôn bán từ 18 giờ 30 phút đến 23 giờ mỗi ngày Ảnh: GIA MINH
Bình luận (0)