Một buổi sáng giữa tháng 9-2016, một người bạn của tôi, anh Nguyễn Thái Bằng, hớt hải chạy đến nói: “Bà tôi vừa được cứu sống”. Tôi chưa kịp hiểu, người bạn tiếp tục: “Sao ở đây mà có những bác sĩ giỏi thế, tận tâm chăm sóc chu đáo cho từng người bệnh…”. Tìm hiểu ra mới biết, những người mà bạn tôi nói đến chính là bác sĩ Nguyễn Văn Điền (SN 1970, Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk) và nhóm học trò của ông.
Được sinh ra lần thứ hai!
Anh Nguyễn Thái Bằng kể lại chi tiết câu chuyện: Ngày 11-9, bà nội của anh là Nguyễn Thị Khóa, đã 100 tuổi, bị nhồi máu cơ tim cấp nên gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Các bác sĩ tại đây đã có mặt trong vòng vài phút, bỏ qua tất cả thủ tục, đưa thẳng bà đến phòng mổ. Lúc này bà đã ngừng tim, buộc các bác sĩ phải cấp cứu, sốc điện ép tim. Bà đã lớn tuổi, có tiền sử suy thận giai đoạn cuối nên gia đình không còn chút hy vọng. “Thật kỳ diệu, sau khoảng 3 giờ, các bác sĩ bước ra khỏi phòng mổ thông báo: Đã đặt 2 stent thông tắc, bà đã qua cơn nguy kịch. Họ là những người đã sinh ra bà tôi lần thứ hai” - anh Bằng không giấu nổi xúc động.
Tìm hiểu thêm về câu chuyện, cuối tháng 9-2016, trong vai một người nhà bệnh nhân, tôi đến Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch. Lúc này, bác sĩ Điền đang gọt khoai tây thành từng lát mỏng đắp lên tay cho một bệnh nhân. Nguyên do bệnh nhân này bị lấy máu nhiều nên vết kim trên tay gây đau nhức. Nghĩ cũng lạ, những chuyện này thường các bác sĩ chẳng mó tay vào. Vừa gọt xong, bác sĩ Điền đã gọi thêm một học trò bảo xuống nhà kho dọn dẹp để kê thêm cái giường cho bệnh nhân chứ không thể để 2 người nằm chung một giường. Khi nhóm bác sĩ rời phòng, hỏi chuyện các bệnh nhân và người nhà, ai cũng nghẹn lời khi nói về các bác sĩ nơi đây.
Người mà bác sĩ Điền đắp từng lát khoai tây lên tay là ông Nguyễn Hữu Công (SN 1958; ngụ thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Ông cho biết: “Khi vừa vào tới viện thì mắt tôi tối sầm lại, vội nghĩ chắc là mình sắp chết. Sau này, tôi mới được thông báo bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch vành phải, ngừng tim nhưng được bác sĩ sốc điện ép tim và mổ đặt stent cứu sống. “Thật không biết nói lời gì để cảm ơn những gì các bác sĩ đã làm cho tôi. Không chỉ giỏi về chuyên môn, các bác sĩ còn tận tình, chu đáo, hỏi han, chăm sóc bệnh nhân đến từng miếng ăn, giấc ngủ” - ông Công xúc động.
Còn theo chị Hoàng Thị Vỹ (ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), tối 22-9, chồng chị là anh Trần Quang Lợi (39 tuổi) lên cơn tức ngực thở không nổi nên gia đình vội đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ kết luận anh Lợi bị nhồi máu cơ tim, tắc mạch máu, cực kỳ nguy hiểm phải mổ gấp. Sau ca mổ, sức khỏe anh Lợi đã hồi phục. “Số tôi may mắn! Nếu không có bác sĩ Điền thì tôi đã về với ông bà rồi. Không những cứu sống tôi mà mỗi ngày các bác sĩ lại trò chuyện, hỏi han, động viên không biết bao nhiêu lần làm tôi thấy cảm động vô cùng” - anh Lợi nói.
Chọn nơi người bệnh cần
Sau khi được bổ nhiệm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bác sĩ Doãn Hữu Long chú trọng công tác bồi dưỡng và thu hút nhân lực cho ngành y tế của tỉnh này. Nắm bắt cơ hội trong một lần bác sĩ Nguyễn Văn Điền lên Đắk Lắk công tác, bác sĩ Long đã “kể lể” những khó khăn của nguồn nhân lực chuyên sâu tim mạch tại đây. Điều đáng lo là các bệnh viện có thể cấp cứu, điều trị tim mạch lại ở xa địa phương này, khiến nhiều người đã phải chết trên đường chuyển viện. Sau khi thu xếp công việc, đầu tháng 5-2016, bác sĩ Điền đồng ý lời mời và từ chức Trưởng Phòng Can thiệp tim mạch của Bệnh viện ĐH Y Dược Huế cùng 4 học trò là các bác sĩ chuyên sâu tim mạch lên Đắk Lắk với mong muốn sẽ cứu được nhiều người bệnh hơn.
Được sự hỗ trợ của lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, từ tháng 5 đến tháng 8-2016, nhóm bác sĩ đã mở thêm Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch, trang bị máy móc, phương tiện cấp thiết. Nhóm bác sĩ Điền cũng mạnh dạn đề nghị được phê duyệt gần 200 danh mục điều trị mới cho khoa, trong đó có gần 60 danh mục, hơn 50 loại kỹ thuật thuộc tuyến trung ương do Bộ Y tế thẩm định, phê duyệt.
Bác sĩ Nguyễn Thiện Ái, Trưởng Khoa Cấp cứu và Can thiệp tim mạch (học trò của bác sĩ Điền) chia sẻ: Suốt những năm qua, hàng chục bệnh viện lớn cả công và tư đã mời bác sĩ Điền về công tác với rất nhiều chế độ đãi ngộ nhưng ông không đồng ý mà chỉ chấp nhận đến hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật. “Khi nghe thầy bàn lên Đắk Lắk làm nhân viên thử việc, chúng tôi có chút bất ngờ. Thầy nói nếu mình không ở đây thì người dân cũng được các bác sĩ khác cứu sống. Còn tại các tỉnh Tây Nguyên hiện nay, nhiều người phải chết vì bệnh tim do chưa có khoa chuyên sâu can thiệp tim mạch kịp thời. Nhận ra tâm huyết của thầy, nhóm học trò chúng tôi đã đồng ý đồng cam cộng khổ lên đây định cư” - bác sĩ Thiện Ái kể.
Nói về đồng nghiệp của mình, bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, cho biết lúc nhóm của bác sĩ Điền về bệnh viện và thành lập khoa mới, lãnh đạo bệnh viện đã phân công bác sĩ Điền làm trưởng khoa nhưng đã bị ông từ chối. Bác sĩ Điền giao lại chức trưởng khoa cho học trò của mình vì chỉ muốn tập trung hết thời gian, năng lực vào chuyên môn. Với đồng lương công chức, tổng thu nhập tính cả tiền trực, trung bình mỗi người chỉ được hơn 3 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất khó khăn. Ngoại trừ bác sĩ Ái đã có vợ thuê nhà trọ ở ngoài, 4 bác sĩ còn lại phải ở luôn trong bệnh viện, vừa có điều kiện chăm sóc tốt hơn cho bệnh nhân vừa để giảm chi phí thuê nhà. Có những đêm 2-3 giờ sáng, nhóm bác sĩ vẫn phải cấp cứu, động viên người bệnh mặc dù cả ngày đã quá mệt với công việc. Bận bịu như thế nhưng bác sĩ Điền đã dành thời gian viết 2 đầu sách chuyên sâu về can thiệp tim mạch được giới chuyên môn đánh giá rất cao. “Bác sĩ Điền cùng các học trò đã rời phố thị lên “núi” cứu người nghèo, đó là điều vô cùng may mắn cho bệnh viện và cả người dân nơi đây” - bác sĩ Phong nói.
Một hộ lý nơi đây kể do phòng nghỉ ngơi của 4 bác sĩ quá chật nên phải nấu ăn ở ngoài hành lang. Hằng ngày, các bác sĩ nhờ chị đi chợ nhưng chỉ gói gọn trong vòng 100.000 đồng cho 7 người ăn 2 bữa trưa và tối. Riêng gạo thì một số bác sĩ trong khoa có bố mẹ làm nông nên thay nhau mang đến “cứu trợ”.
Không nói về bản thân mình, bác sĩ Điền chỉ gửi gắm: “Chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mỗi ngày trôi qua, mình lại cứu thêm được nhiều người. Chúng tôi có đủ trình độ chuyên môn, máy móc hiện đại để điều trị, cấp cứu cho những người bị tim mạch. Hãy tin tưởng tới đây để chúng tôi điều trị, chăm sóc khi sức khỏe không tốt”.
Đi xin thiết bị để cứu bệnh nhân
Theo bác sĩ Thiện Ái, từ ngày 9-8 đến nay, nơi đây đã cấp cứu và điều trị cho hơn 80 bệnh nhân tim mạch, chủ yếu là nong động mạch vành, đặt máy tạo nhịp tim, đóng dù các bệnh lý tim bẩm sinh, can thiệp động mạch ngoại biên... Trong đó có hơn 20 trường hợp nhồi máu cơ tim được can thiệp kịp thời cứu sống. “Điều mà chúng tôi mong muốn nhất hiện nay là các ngành chức năng nhanh chóng đầu tư thiết bị, dụng cụ để chúng tôi phát huy hết khả năng của mình. Thực tế, thời gian qua đã có hơn 30 stent (mỗi stent có giá hơn 50 triệu đồng) được đặt cho bệnh nhân là do thầy Điền xin các đơn vị tài trợ và hoàn toàn miễn phí. Thiếu thiết bị nên chúng tôi phải lựa chọn ca nào nguy hiểm mới đặt stent còn những ca có thể cầm cự được thì giờ đang phải chờ” - bác sĩ Ái chia sẻ.
Bình luận (0)