GS Phan Huy Lê đã trình bày quan điểm mới về phương pháp nghiên cứu lịch sử nước ta - điều mà bấy lâu nay khoa học lịch sử chưa làm được, khi mà lịch sử nước ta chủ yếu được ghi chép bởi các vương triều, các nhà viết sử thuộc các triều đại, với cái nhìn quan phương, chưa khách quan.
Đây là một tín hiệu rất đáng mừng để lịch sử nước ta được nghiên cứu một cách khách quan, khoa học tất cả sự kiện, kể cả các sự kiện, vấn đề “nhạy cảm”.
Quan điểm mà GS Phan Huy Lê trình bày rất rõ ràng khi nhấn mạnh: “Sử học phải làm tròn trách nhiệm công dân nhưng sứ mạng cao cả nhất của sử học là làm thế nào để tạo nên được những trang sử bằng cứ liệu lịch sử khách quan, trung thực”.
Theo GS Phan Huy Lê, để san lấp các khoảng trống lịch sử, cần xác lập một quan điểm, nhận thức mới về lịch sử Việt Nam. “Một quan điểm gần như tất cả quốc gia trên thế giới đều thừa nhận, đó là lịch sử của bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều xuất phát từ lãnh thổ hiện nay để viết sử” - GS Phan Huy Lê khẳng định. Ông nhấn mạnh tất cả những gì diễn ra trên lãnh thổ này, kể cả đất liền, hải đảo và hải phận, đều là một bộ phận của lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Với quan điểm đó, những khoảng trống lịch sử sẽ được lấp đầy, như việc đánh giá nhà Nguyễn chẳng hạn. Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu lịch sử mới có cơ hội trình bày một cách có hệ thống những vương quốc đã tồn tại ở Nam Trung Bộ, Nam Bộ như vương quốc Chăm Pa, Phù Nam, Chân Lạp, khu vực Tây Nguyên và cả chính thể Việt Nam cộng hòa thời chống Mỹ cứu nước.
Quan điểm mới này mở đường cho việc đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan công - tội của vương triều nhà Nguyễn và cả lịch sử nhà Nguyễn Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Cũng tại buổi báo cáo này, PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, nêu trăn trở nhiều vấn đề ở thời hiện đại như cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, hợp tác hóa nông nghiệp... Ông Cường muốn các nhà viết sử, các nhà nghiên cứu cần có điều kiện đọc được nhiều tài liệu chính thống về các vấn đề được cho là “nhạy cảm” này để có cái nhìn khách quan. Thực ra, dòng nghiên cứu phi chính thống cũng đã nghiên cứu các vấn đề “nhạy cảm”, như vụ nhân văn giai phẩm, cải cách ruộng đất… Ngay cả 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và Tây Nam cũng rất cần nghiên cứu một cách hệ thống và khoa học.
Và còn nhiều vấn đề khác nữa…
“Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc quả đất lên” - Archimedes từng khẳng định như vậy. Còn bây giờ, giới nghiên cứu lịch sử chỉ yêu cầu chấp nhận những quan điểm khoa học đúng đắn, khách quan để họ sẽ làm bừng sáng lên lịch sử hàng ngàn năm của người Việt Nam và những dân tộc từng sống trên dải đất hình chữ S này.
Với quan điểm đó, hy vọng chúng ta sẽ có một bộ Quốc sử viết theo phương pháp khoa học nhất mà nhân dân đang chờ đợi.
Bình luận (0)