Trả lời chất vấn trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận dù đã có thông tư để công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế nhưng nhiều bệnh viện (BV) vẫn từ chối kết quả xét nghiệm của BV khác.
Loạn vì thiếu chuẩn
Đoạn trường xét nghiệm là tình cảnh mà nhiều bệnh nhân phải mất thời gian, công sức và cả tiền bạc để làm đi làm lại mỗi khi khám chữa bệnh. Theo Bộ Y tế, tính đến cuối năm 2016, cả nước có 52 phòng xét nghiệm thuộc các cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn ISO 15189. Trong khi đó, gần 1.400 BV trên toàn quốc mỗi năm khám chữa bệnh cho trên 120 triệu lượt người, gấp gần 27 lần số phòng xét nghiệm đạt chuẩn.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, cho biết muốn công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, các phòng xét nghiệm phải đạt chất lượng tương đương. Năng lực quản lý, chất lượng xét nghiệm, trình độ nhân lực, trang thiết bị... chưa đồng đều đã gây khó khăn trong việc chuẩn hóa chất lượng và kết quả xét nghiệm. Thực tế, một số phòng xét nghiệm đã cho kết quả khác nhau, ảnh hưởng không tốt tới lòng tin của người dân. Đây cũng là nguyên nhân khiến các phòng xét nghiệm không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.
Năm 2016, các cơ sở y tế đã thực hiện 516 triệu xét nghiệm các loại. Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng đều hằng năm, trung bình từ 10%-15%/năm. "Mỗi BV một kiểu máy, đơn vị đo kết quả cũng khác nhau nên dễ gây nhầm lẫn. Do đó, muốn liên thông kết quả xét nghiệm thì phải chuẩn hóa, nâng cao chất lượng xét nghiệm để giảm lãng phí tiền của" - ông Khuê nhìn nhận.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học trên cả nước nhằm từng bước nâng cao chất lượng xét nghiệm y học; bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.
Hiện đã có 122 BV trực thuộc Bộ Y tế và BV hạng 1 đã rà soát, lập kế hoạch, chuẩn bị để từ tháng 8-2017 sẽ bắt đầu liên thông kết quả xét nghiệm tại gần 40 BV tuyến trung ương, sau đó mở rộng đến các BV hạng 1 trước ngày 1-1-2018. Mục tiêu đến năm 2025, kết quả xét nghiệm sẽ liên thông trên phạm vi cả nước.
Khoảng hơn 100 chỉ số xét nghiệm dự kiến được các BV tuyến trung ương công nhận khi bệnh nhân phải chuyển viện. Một số xét nghiệm sẽ có giá trị lâu dài (như nhóm máu) nhưng cũng có những xét nghiệm chỉ mang giá trị trong một thời gian nhất định.
Xét nghiệm sinh hóa cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi trung ương
Cần có hội đồng kiểm chuẩn quốc gia
BV Việt Đức là một trong những cơ sở y tế sẽ thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. GS-TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức, nhận định vấn đề quan trọng nhất là phải nâng chuẩn xét nghiệm của các BV nhằm tránh điều trị sai cho bệnh nhân. Hiện nay, BV Việt Đức vẫn sử dụng kết quả xét nghiệm của các BV lớn, có uy tín nhưng chủ yếu "bằng lòng tin"!
Theo ông Giang, thực tế này đòi hỏi cần thành lập hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu kiểm tra chất lượng máy móc, trình độ nhân lực của các BV theo tiêu chuẩn ISO và hội đồng phải chịu trách nhiệm trước việc đánh giá các kết quả xét nghiệm. Hệ thống kiểm chuẩn xét nghiệm quốc gia này phải bảo đảm chất lượng máy giữa các BV tương đương nhau.
Cùng quan điểm, GS-TS Phạm Minh Thông, Phó Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng điều kiện liên thông kết quả xét nghiệm là các BV phải có các labo đạt chuẩn. Tuy nhiên, không phải khi bác sĩ cho làm lại xét nghiệm đều là lạm dụng. Nhiều xét nghiệm cần làm lại để bảo đảm tính chính xác, nhất là các bác sĩ ở BV tuyến sau phải đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân. Bởi lẽ, cùng một người làm, cùng một loại máy nhưng ở 2 nơi sẽ cho kết quả không giống nhau. Hơn nữa, bệnh nhân chuyển từ tỉnh về Hà Nội, sau vài giờ, các chỉ số và tình trạng bệnh có thể thay đổi nên kết quả xét nghiệm sẽ không còn giá trị.
"Với bệnh nhân nặng, phải làm xét nghiệm hằng ngày, thậm chí vài lần một ngày để theo dõi diễn biến bệnh. Kể cả khi đã liên thông kết quả xét nghiệm rồi cũng không phải toàn bộ kết quả của tuyến dưới chuyển lên là không cần làm lại mà phải căn cứ vào bệnh trạng để chỉ định làm xét nghiệm lại hay không" - GS Thông nhấn mạnh.
Chiếm 20% tổng chi phí khám chữa bệnh
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết chi phí dành cho chụp chiếu, xét nghiệm chẩn đoán chiếm gần 20% tổng chi khám chữa bệnh, 60% chi phí còn lại chi cho thuốc nên ngân sách không còn nhiều để nâng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, nếu thực hiện liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV, không chỉ bệnh nhân tiết kiệm được thời gian và tiền bạc mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, tránh lãng phí và tiêu cực phát sinh do chỉ định xét nghiệm tràn lan.
Bình luận (0)