Ngày 29-7, trong ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 18 HĐND khóa VIII, các đại biểu (ĐB) đã dành nhiều thời gian thảo luận về kết quả giám sát việc thực hiện Nghị quyết 28 HĐND ngày 12-12-2014 về chỉ tiêu phấn đấu 100% hộ dân TP sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh.
Khó tin về chỉ tiêu
Theo như kết quả giám sát của HĐND TP về nước sạch, hiện trên địa bàn có 358.351/1.874.114 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch hoặc nước ngầm đã qua xử lý. Như vậy, vẫn còn hơn 19% hộ dân chưa có nước sạch. Con số này làm nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Nguyễn Văn Tùng cho biết người dân rất quan tâm việc hết năm 2015 có thực hiện được chỉ tiêu này không?.
“TP phải tính toán chỉ tiêu như thế nào để dân tin. Chúng ta rất tích cực lo nước sạch cho dân khi cán bộ lãnh đạo xuống tận cơ sở để kiểm tra từng bồn nước, đồng hồ tổng. Tuy nhiên, tôi cho rằng phải có hệ thống và đồng hồ nước lắp vào tận hộ dân thì mới căn cơ. Đã đề ra chỉ tiêu thì phải có căn cứ và giải pháp đồng bộ để thực hiện chứ nói 100% người dân được sử dụng nước sạch là không thể tin được” - ông Tùng nói.
Ngoài ra, nhiều ĐB cũng không yên tâm về chất lượng nước. Theo ĐB Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, TP tổ chức kiểm tra chất lượng nước tại 1.400 vị trí đại diện, tập trung vào 7 quận - huyện gồm 12, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè thì hầu hết các mẫu không đạt chỉ tiêu hóa lý là do độ pH thấp và hàm lượng sắt cao. “Tôi hoài nghi thực trạng nước sạch chúng ta hiện nay. 17 quận, huyện còn lại hãy lấy mẫu nước để xét nghiệm để có sự đánh giá chất lượng một cách toàn diện nhất” - bà Hạnh đề nghị.
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Lê Văn Nhân cho biết chất lượng nước giếng trên địa bàn TP không đạt Quy chuẩn 02 của Bộ Y tế về chất lượng nước sinh hoạt. Đa phần các mẫu nước kiểm tra đều không đạt về chất lượng lý hóa (độ pH thấp và hàm lượng sắt cao) và một số không đạt chất lượng vi sinh.
Theo ông Nhân, nước có chất lượng pH thấp sẽ gây bệnh ngoài da, các vấn đề về tiêu hóa như trướng bụng, khó tiêu. Nước có tỉ lệ sắt quá cao có màu, mùi tanh khó chịu cũng sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tiêu hóa. Nguy hiểm hơn, ông Nhân cho biết qua kiểm tra, phát hiện một số mẫu nước bị nhiễm chất amoni (110/1.400 mẫu). Nguyên nhân do giếng đào quá cạn hoặc không có bờ làm cho chất hữu cơ từ bên ngoài thấm vào hoặc giếng đào gần các khu vực ô nhiễm.
“Nếu sử dụng nước nhiễm amoni cho việc ăn uống hằng ngày thì có thể gây bệnh ung thư” - ông Nhân cảnh báo. Theo ông Nhân, nếu người dân nghi ngờ hoặc không yên tâm về chất lượng nước mình đang dùng thì có thể gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Y tế dự phòng là 0938060869 (24/24 giờ), sẽ có chuyên gia đến kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý.
Trước những vấn đề trên, Chủ tịch HĐNĐ TP Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu UBND TP phải chỉ đạo các đơn vị phát triển mạng lưới cấp nước; bảo đảm chất lượng nước và giá nước; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với nhà nước để làm tốt vấn đề này.
Thông qua việc tăng phí ô tô
Chiều cùng ngày, các ĐB đã thảo luận tờ trình của UBND TP HCM về phương án thu phí, lệ phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số xe cơ giới đường bộ trên địa bàn.
ĐB Lâm Thiếu Quân cho rằng nếu thu phí cao hơn thì số tiền đó cũng vào ngân sách và nộp cho trung ương chứ không giúp giảm ùn tắc giao thông. Mục tiêu giảm ùn tắc giao thông chỉ thực hiện được nếu dùng số tiền đó để phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện cá nhân. “Hơn nữa, không phải vì vài triệu đồng tiền phí mà người ta ngừng mua ô tô nên không thể thực hiện được mục tiêu giảm phương tiện cá nhân như tờ trình của UBND TP đánh giá” - ông Quân nhận xét.
ĐB Vương Đức Hoàng Quân thì lo ngại khi TP tăng phí đăng ký ô tô liệu có dẫn đến tình trạng các chủ sở hữu sẽ đăng ký tại các địa phương lân cận rồi đưa xe vào TP sử dụng hay không. “Khi đó, chúng ta vừa bị thất thu lại không thể đạt được mục đích giảm ùn tắc” - ông Quân nêu ý kiến.
Giám đốc Sở Tài chính, bà Đào Thị Hương Lan, cho biết mức phí này được đưa ra là con số trung bình mà Thông tư 127 năm 2014 của Bộ Tài chính quy định. “Dù TP tăng mức thu phí đăng ký ô tô dưới 10 chỗ lên gấp hơn 5 lần hiện nay thì cũng mới chỉ bằng 50% ở Hà Nội. Theo quy định, TP HCM và Hà Nội là 2 đô thị đặc biệt, Hà Nội thu tối đa nhưng TP HCM chỉ thu mức trung bình” - bà Lan nói.
Tuy còn nhiều băn khoăn nhưng đa số ĐB đã thông qua tờ trình này. Như vậy, từ ngày 1-9-2015, nhóm ô tô dưới 10 chỗ ngồi trở xuống (kể cả tài xế) không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách có mức tăng cao nhất, gấp hơn 5 lần, từ 2 triệu đồng lên 11 triệu đồng… Những phương tiện khác cũng có mức lệ phí đăng ký mới tăng, như: Sơ mi rơ-moóc đăng ký rời, rơ-moóc tăng 100.000 đồng lên 150.000 đồng…
Hôm nay (30-7), chất vấn và trả lời chất vấn
Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết 100% ĐB thống nhất cần chất vấn Chánh án TAND TP Ung Thị Xuân Hương xung quanh công tác xét xử các vụ việc dân sự. Ngoài ra, vấn đề ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư cũng được các ĐB chất vấn. Như vậy, ngoài Chánh án TAND TP, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng sẽ tham gia trả lời chất vấn. Ngoài ra, một phó chủ tịch UBND TP sẽ tham gia làm rõ thêm các vấn đề. Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên kênh VOH và HTV9 từ 8 giờ đến 15 giờ 30 phút.
Bình luận (0)