Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường ngày 17-6 của kỳ họp Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Dương Hoàng Hương (Phú Thọ) cho rằng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ở những ngành nghề mà pháp luật không cấm được khẳng định trong dự thảo Luật DN (sửa đổi). Tuy nhiên, nội dung về cấm kinh doanh còn chung chung, chưa có nguyên tắc và tiêu chí để phân định rõ ràng.
Tránh luật này mở ra, luật khác bó lại
ĐB Dương Hoàng Hương đề nghị nghiên cứu, bổ sung các nguyên tắc, tiêu chí để khoanh định rõ hơn những ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh; giao quyền cho Chính phủ định kỳ rà soát, đánh giá thực tế và kịp thời trình QH điều chỉnh danh mục này nhằm tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, giúp DN yên tâm hơn khi tham gia thị trường.
Cho rằng ngành nghề thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh còn gây nhiều tranh cãi, ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị loại bỏ khỏi danh mục cấm kinh doanh một số ngành nghề, hàng hóa, dịch vụ như: môi giới kết hôn có yếu tố nước ngoài; môi giới nhận cha mẹ con nuôi, con nuôi có yếu tố người nước ngoài; đầu tư trong lĩnh vực thám tử, điều tra.
ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề xuất cần giảm thiểu các chế định hạn chế quyền tự do kinh doanh tại các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, tránh tình trạng Luật DN mở ra, trong khi các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn thì bó lại. Dẫn chứng cho sự không đồng bộ này, ĐB Lộc cho biết nguyên tắc về quyền tự do kinh doanh đã được ghi nhận, cụ thể hóa trong Luật DN từ năm 2005. Nhưng gần 10 năm qua, đã có quá nhiều các quy định riêng trong các luật chuyên ngành với các thủ tục và giấy phép “con, cháu, chắt” quy định trong các văn bản hướng dẫn.
“Nguyên tắc quyền tự do kinh doanh trong Luật DN đã bị đẩy lùi và vô hiệu hóa từng phần… Tôi lo ngại tình trạng vô hiệu hóa pháp luật về DN sẽ không giảm bớt, thậm chí còn có nguy cơ gia tăng. Chúng ta quy định nguyên tắc chung trong Luật DN nhưng lại không có cơ chế kiểm soát các quy định riêng được quy định trong luật chuyên ngành thì thật đáng lo ngại. Vì suy cho cùng, ngành nào cũng có thể là chuyên ngành và đều có thể có luật riêng với các lý do khác nhau” - ông Lộc lo lắng.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng cần tránh việc thường xuyên điều chỉnh các ngành nghề cấm và các điều kiện kinh doanh. Bởi lẽ, một nền kinh tế thường xuyên điều chỉnh những ngành nghề cấm và điều kiện kinh doanh sẽ gây xáo trộn, bất ổn cho môi trường kinh doanh, hạn chế việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Không để phát sinh vốn ảo
ĐB Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhận định những cải cách về thủ tục hành chính - nhất là khâu đăng ký DN, nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN, thực hiện đồng thời thủ tục đăng ký DN với đăng ký thuế, đăng ký lao động, BHXH - trong dự thảo luật thực sự là bước đột phá, góp phần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho việc thành lập và kinh doanh của DN.
“Bên cạnh tạo thuận lợi cho doanh nhân dễ dàng thành lập DN, luật cần có điều khoản quy định khâu hậu kiểm, đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan. Hậu kiểm không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xử lý vi phạm, kiểm soát tuân thủ pháp luật của DN mà còn để phân tích, đánh giá nhằm điều chỉnh chính sách, luật pháp và có chính sách hỗ trợ DN kịp thời” - ĐB Ngân đề xuất.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị có quy định cụ thể về vốn pháp định, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu thực có của DN khi thành lập và hoạt động. Tránh tình trạng nhiều DN không có vốn, thậm chí phải vay ngân hàng để khai vốn khi thành lập. Tình trạng này tạo ra vốn ảo, gây mất ổn định nền kinh tế.
Nhiều ĐB bày tỏ không đồng tình với việc dự thảo luật có một chương quy định về DN nhà nước. Theo ĐB Nguyễn Công Bình (Yên Bái), việc có một chương về DN nhà nước sẽ dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các DN.
Chiều 17-6, QH thảo luận về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng nhiều ĐB đề xuất không nên quy định thời hạn cũng như việc đăng ký có quốc tịch mà chỉ giải quyết các trường hợp kiều bào mất giấy tờ thì phải đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam. Ủy ban Thường vụ QH sẽ chỉ đạo ban soạn thảo hoàn thiện theo hướng này để trình QH.
Cẩu tặc lộng hành, chính quyền không thể vô can
Vụ “Cẩu tặc chống trả, 3 người chết”: Điều tra hành vi “giết người”
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang QH ngày 17-6, ĐB Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho rằng việc cẩu tặc chống trả khiến 3 người chết ở TP HCM thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông về trách nhiệm quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự xã hội của chính quyền địa phương. Theo ông Cương, chính quyền địa phương, không chỉ ở TP HCM, phải nhìn nhận đúng mức hơn về việc bảo đảm an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.
“Địa phương có chính quyền, công an, dân phòng, tự vệ… Họ phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm an ninh trật tự. Không thể phó thác cho người dân trong việc chống cự, đối phó trực tiếp với bọn trộm cắp vặt manh động như thế mãi được. Đến lúc dân quá bức xúc rồi lại vô tình vi phạm pháp luật, đốt xe máy, phá hủy tài sản, thậm chí đánh chết kẻ trộm chó hoặc bị kẻ trộm chó bắn chết thì chính quyền phải tăng cường lực lượng để sớm ngăn chặn hành vi này” - ông Cương đề nghị.
Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng không thể chỉ vì chuyện này mà điều chỉnh quy định trong Bộ Luật Hình sự. “Lực lượng công an tổng hợp các quy định khác và xử lý vi phạm như thế nào cho thỏa đáng, đủ sức răn đe” - ông gợi ý.
Cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi, TP HCM cho biết đã chuyển hồ sơ vụ “Cẩu tặc chống trả, 3 người chết” (Báo Người Lao Động đã thông tin) lên Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự xã hội Công an TP HCM để tiếp tục làm rõ hành vi trộm cắp tài sản và giết người đối với băng trộm chó.
Th.Kha - T.Tiến
Bình luận (0)