Ngày 13-4, Công an huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị cho biết đang điều tra nguyên nhân thượng sĩ Ngô Sĩ Đạt (Đội Cảnh sát Hình sự, Công an huyện Triệu Phong) chết khi đang xử lý các trường hợp khai thác cát, sạn trái phép trên sông Thạch Hãn.
Manh động, liều lĩnh
Trước đó, vào tối 11-4, thượng sĩ Đạt cùng đồng đội vây bắt một số tàu thuyền đang khai thác cát, sạn trái phép trên sông Thạch Hãn tại khu vực xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Sau khi bắt quả tang một chiếc thuyền do ông Phạm V. (trú tại xã Triệu Thành) làm chủ, Công an huyện Triệu Phong tạm giữ phương tiện để xử lý và phân công thượng sĩ Đạt ở lại giữ thuyền. Sáng hôm sau, người dân phát hiện chiếc thuyền bị chìm và thượng sĩ Đạt đã chết.
Đoạn sông Thạch Hãn qua xã Triệu Thành và Triệu Giang luôn tấp nập ghe thuyền khai thác cát, sạn. Một người dân tại đây cho biết “cát tặc” rất lộng hành. Mỗi khi ngăn cản không cho khai thác vì sợ bị sạt lở nhà cửa thì chúng đe dọa, hành hung.
Công an tỉnh Quảng Trị điều tra vụ thượng sĩ Ngô Sĩ Đạt chết trong khi bắt thuyền khai thác cát trái phép.
Ảnh: QUANG NHẬT
Theo ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, hiện đoạn sông Thạch Hãn qua huyện này không có bất kỳ mỏ khai thác cát, sạn nào được chính quyền cấp phép. UBND huyện Triệu Phong thường xuyên cấp kinh phí cho công an huyện, phối hợp với các đơn vị chức năng truy quét “cát tặc”. Thế nhưng, lực lượng mỏng, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ nên chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng này.
Còn tại huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vào giữa năm 2015, bộ đội biên phòng tỉnh này bắt quả tang một vụ khai thác cát với quy mô lớn trên sông Mỏ Nhát. Khi lực lượng chức năng xuất hiện, nhiều đối tượng khai thác cát đã chống đối, buộc lực lượng chức năng phải nổ súng bắt giữ 16 phương tiện khai thác cùng hơn 2.000 m3 cát.
Thách thức lực lượng chức năng
Không chỉ lòng sông, vùng biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng bị nạo vét vô tội vạ, đặc biệt là vùng biển nông Cồn Ngựa có trữ lượng cát lớn, giáp ranh với huyện Cần Giờ, TP HCM. Nơi này luôn có hàng trăm ghe khai thác cát từ nhiều tỉnh đổ về. Khi bị truy quét, họ thông báo cho nhau chạy về hướng TP HCM.
Trước đây, tại đường D15 (thuộc phường 11, TP Vũng Tàu) có một đồi cát cao, là nơi che chắn gió nằm cách biển khoảng 200 m. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đồi cát này đã bị lấy đi hàng ngàn khối cát, hình thành một hố nước sâu hoắm. Cách đó không xa, đồi cát tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 10, TP Vũng Tàu) cũng chung số phận bởi những “cát tặc” coi thường pháp luật. Khi bị bắt giữ, những người khai thác cát không hề lo sợ, bất hợp tác với cơ quan chức năng.
Tại tỉnh Khánh Hòa, tình trạng khai thác cát trái phép đã diễn ra từ nhiều năm trên sông Cái qua các xã Diên Lâm, Diên Sơn, Diên Thọ, Diên Phước, Diên Đồng, Diên Lạc, Diên Phú, Diên An, thị trấn Diên Khánh thuộc huyện Diên Khánh. Giá cát nơi đây từ 350.000-420.000 đồng/xe (2,53 m3) tùy loại và đoạn đường. Mỗi ghe khai thác cát có thể thu lợi 2-4 triệu đồng/ngày.
“Cát dưới sông cứ múc lên bán, nguồn lợi quá lớn nên rất khó dẹp bỏ. Khi kiểm tra bằng ca nô thì người cảnh giới đã thông báo để tẩu tán tang vật, thậm chí sẵn sàng đánh chìm ghe” - ông Nguyễn Văn Anh, người phát ngôn của UBND huyện Diên Khánh, nói.
Nhà, đất trôi sông
Những người dân sống dọc sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong luôn nơm nớp lo sợ nhà cửa, vườn tược bị cuốn trôi do khai thác cát lậu gây sạt lở bờ sông. Căn nhà cấp 4 của ông Hồ Chàm (ngụ thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang) hiện chỉ cách mép sông vài bước chân. Quá lo sợ ngôi nhà bị cuốn trôi, ông Chàm phải vay tiền làm lại căn nhà mới lùi sâu vào trong.
Cạnh đó, gia đình bà Hồ Thị Liên cũng lâm vào tình cảnh mất đất sản xuất, ngôi nhà bị nứt nẻ do bờ sông sập và lún. “Các tàu hút cát thường hoạt động vào đêm khuya. Nhiều lúc đang ngủ, mọi người hoảng hốt bật dậy vì bờ sông bị sạt lở. Có lần tôi phàn nàn thì bị họ dọa sẽ đánh chết” - bà Liên bức xúc. Theo người dân địa phương, trong 4 năm qua, “cát tặc” lộng hành ở khúc sông này khiến trên 10 hộ dân bị ảnh hưởng nhà cửa, mất đất sản xuất.
Cùng nỗi bức xúc này, hơn 3 năm qua, ông Đỗ Văn Nghĩa (ngụ xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) ngao ngán đi đòi quyền lợi. Nguyên do, vào ngày 29-10-2012, tại ấp An Long, xã An Bình xảy ra vụ sạt lở đất với chiều dài hơn 200 m,
rộng hơn 40 m, làm vỡ 4 ao và chìm 23 bè cá điêu hồng đang nuôi trên sông Tiền của 8 hộ dân. Tổng thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Các hộ dân đã khởi kiện Công ty CP Vật liệu Xây dựng Vĩnh Long (VMC) ra TAND TP Vĩnh Long vì cho rằng trong quá trình khai thác cát, doanh nghiệp này đã gây ra vụ sạt lở. “Tòa sơ thẩm buộc VMC bồi thường theo yêu cầu của chúng tôi nhưng sau đó, VMC kháng cáo. Từ đó đến nay, chờ tòa xử phúc thẩm nhưng hoãn rất nhiều lần, trong khi chúng tôi nợ ngân hàng quá nhiều, cuộc sống rất khó khăn” - ông Nghĩa nói.
Từ nhiều năm qua, sông Đồng Nai cũng bị “rút ruột” cạn kiệt bởi nạn khai thác cát. Ngoài đoạn sông chảy qua trung tâm TP Biên Hòa, vấn nạn này cũng diễn ra ngang nhiên ở các huyện Định Quán, Tân Phú, Long Thành, Nhơn Trạch… Nhiều khu vực sông ở 2 huyện Định Quán, Tân Phú, hai bên bờ bị “cát tặc” cạp nham nhở; đất đai, hoa màu trôi xuống sông nhưng người dân chẳng cách nào ngăn chặn. “Việc chống “cát tặc” hiện có sự phối hợp của nhiều bộ phận, lực lượng nhưng vẫn chưa triệt để…” - ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, thừa nhận.
Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng đang kêu cứu vì bị nạn khai thác cát xâm hại. “Nạn hút cát trộm cũng như khai thác cát được cấp phép sát ngay cạnh vườn Cát Tiên làm trôi cả đất vườn, ảnh hưởng trầm trọng đến sinh cảnh, các loài thú của khu bảo tồn…” - ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, bày tỏ.
ĐBSCL: Mỗi năm khai thác 28 triệu m3 cát
Theo Trung tâm Quản lý quốc tế môi trường, hằng năm, tổng lượng bùn cát đọng lại trên sông Mê Kông từ trạm Kratie (Campuchia) về ĐBSCL rồi ra biển chỉ khoảng từ 12-18 triệu m3. Tuy nhiên, lượng cát hằng năm bị khai thác trên dòng sông này tại Việt Nam khoảng 28 triệu m3.
Một nhà thầu xây dựng tại TP Cần Thơ cho biết tiền công múc cát tại mỏ khoảng 7.000 đồng/m3, bán ra 18.000 đồng/m3, trong khi giá san lấp mặt bằng xây dựng hiện nay từ 70.000-80.000 đồng/m3. Chính vì lợi nhuận quá lớn nên “cát tặc” liều lĩnh hoạt động.
Bình luận (0)