Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 3-11, lũ các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai sẽ lên lại; các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên-Huế và Kon Tum, Đắk Lắk sẽ lên. Đợt lũ này có thể kéo dài 2 – 3 ngày.
Trên các sông từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ lớn, đỉnh lũ có thể lên mức báo động II – báo động III, nhiều nơi lên trên mức báo động III; các sông ở Quảng Trị, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk lên mức báo động I – báo động II, có nơi trên mức báo động II. TTXVN cho biết mưa lũ đã làm 13 người chết (Khánh Hòa 5, Phú Yên 4, Ninh Thuận 3, Bình Định 1).
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thị sát tình hình lũ lụt ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: CHÍ DUNG
Các hồ chứa vẫn an toàn
Báo cáo của Bộ Công Thương và Vụ Quản lý công trình thủy lợi cho biết các hồ có cửa tràn như Suối Dầu, Am Chúa, Láng Nhớt (Khánh Hòa); Tân Giang, Sông Châu, Sông Sắt (Ninh Thuận); Lòng Sông (Bình Thuận) đang xả lũ theo quy trình và vẫn an toàn. Đối với các hồ tràn tự do, nhiều hồ mực nước đã vượt qua đỉnh tràn từ 20 – 80 cm và đang tràn tự do về hạ du nhưng vẫn an toàn.
Các địa phương trong khu vực cần tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn và theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ để chủ động đối phó. Đặc biệt là kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng tại chỗ để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa.
Khẩn trương di dời dân
Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng thường xuyên thông báo tình hình mưa lũ và tin cảnh báo thời tiết nguy hiểm đến Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão các địa phương để tổ chức theo dõi, chủ động tham mưu trong việc chỉ đạo các biện pháp đối phó.
Theo đó, tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 6.554 hộ/26.216 người tại các khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Phan Rang Tháp Chàm đến nơi an toàn.
Tỉnh Khánh Hòa sơ tán 1.525 hộ/6.452 người tại các khu vực Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Cam Ranh và TP Nha Trang. Tỉnh Phú Yên sơ tán 321 hộ/1.178 người tại các khu vực Tuy An, Đồng Xuân, Sông Cầu.
Nhiều tuyến đường đã thông xe
Theo Tổng cục Đường bộ VN (Bộ GTVT), ngày 3-11, giao thông trên các tuyến quốc lộ (QL) trong khu vực mưa lũ cơ bản đã được phục hồi.
Cụ thể, đoạn Km 1507-Km 1508+700 trên QL 1 thuộc địa phận Cam Ranh (Khánh Hòa) đã thông xe trở lại. Trên QL 26, đoạn cầu 30 Km 103+706 thuộc huyện EaKăk, tỉnh Đắk Lắk và Km 258 - Km 259 trên QL 27 thuộc thị xã Phan Giang, tỉnh Ninh Thuận (khu vực đèo Cậu), nước cũng đã rút và thông xe trở lại.
Tổng cục Đường bộ VN cũng hướng dẫn các xe lưu thông từ Hà Nội vào TPHCM đi theo QL 1 đến ngã ba Cà Đú Km 1551+300 (QL 1) rẽ trái theo đường Tỉnh lộ 702 vào đường Ngô Gia Tự (nội ô TP Phan Rang - Tháp Chàm) và gặp QL 1 tại Km 1561+000; hướng từ TPHCM đi Hà Nội theo hướng ngược lại.
Hai đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Ngô Quang Đảo và Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ VN Ngô Thịnh Đức dẫn đầu vào hiện trường để chỉ đạo phối hợp hành động giữa các khu quản lý đường bộ, các sở GTVT và các đơn vị quản lý đường bộ tập trung lực lượng khôi phục nhanh nhất giao thông trên các tuyến QL.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết:
Không được để một người dân nào đói
Ngày 3-11, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đoàn công tác đã thị sát tình hình mưa lũ tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm bà con thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận và tặng thôn 200 triệu đồng khắc phục hậu quả thiên tai. Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận báo cáo nhanh tình hình thiệt hại, Chủ tịch nước yêu cầu địa phương phải nêu cao cảnh giác hơn nữa trước diễn biến thất thường của thời tiết. Các cấp chính quyền không được để một người dân nào đói, thiếu thuốc men, nước uống...
Làm việc với tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch nước chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân thiệt mạng; biểu dương chính quyền cơ sở cùng với người dân đã chủ động, tích cực và đoàn kết vượt qua khó khăn. Chủ tịch nước lưu ý tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục cảnh giác, sớm triển khai các biện pháp ứng phó...
Làm việc với tỉnh Phú Yên, Chủ tịch nước gửi lời hỏi thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến toàn thể nhân dân Phú Yên; yêu cầu các cấp chính quyền và nhân dân Phú Yên chuẩn bị mọi phương án để ứng phó với đợt mưa lũ mới trong vài ngày tới khi đợt áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đang hướng vào đất liền.
B.T.B – C.Dũng |
Xuất hiện đợt áp thấp nhiệt đới
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 3-11, vùng áp thấp trên khu vực vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Bình Định – Ninh Thuận đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Phú Yên – Ninh Thuận 180 km về phía Đông. Đến 16 giờ ngày 4-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,0 đến 12,0 độ vĩ Bắc; 109,5 đến 110,5 độ kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Phú Yên – Bình Thuận.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, khu vực Bắc và giữa biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị - Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, có lúc cấp 8, giật cấp 9 – 10 và có mưa dông mạnh.
Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã có công điện gửi các địa phương từ Quảng Trị - Khánh Hòa và Bắc Tây Nguyên cùng các bộ, ngành liên quan. Theo đó, yêu cầu thông báo cho chủ các phương tiện có tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; kiểm đếm các tàu thuyền còn đang hoạt động trên các ngư trường để giữ liên lạc kịp thời, đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra...
B.Trân |
Bình luận (0)