xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp: VCCI và VINASME tranh luận kịch liệt

Bảo Trân

(NLĐO)- Trước tranh luận kịch liệt của Chủ tịch VCCI và VINASME về điều 30 dự Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu dừng tranh luận, nếu cần về Đoàn Đại biểu QH Thái Bình trao đổi tiếp.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Nguyễn Nam

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: Nguyễn Nam

Sáng nay 17-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã họp cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đại diện cơ quan thẩm tra dự Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết dự luật tách riêng trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (VINASME) và hiệp hội, ngành nghề khác sẽ góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho trúng và đúng.

Tuy nhiên, tại phiên họp, các bên liên quan đã có tranh luận gay gắt trong hơn một giờ về quy định trách nhiệm liên quan đến DNNVV mà cụ thể là quy định tại điều 30 của dự luật.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng quy định như tại điều 30 là không xác định đúng với vai trò của VCCI đã được Đảng, Nhà nước quy định.

Theo ông Lộc, trên thế giới thì các mô hình phòng thương mại như Eurocham, Amcham,… cũng như VCCI ở Việt Nam là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN. VCCI là tổ chức được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập năm 1963 - là đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, cho đội ngũ doanh nhân, theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Thủ tướng.

Trong văn bản phản đối gửi tới UBTVQH, VCCI cho rằng, điều 30 quy định cho VINASME tới 6 nhóm nhiệm vụ là tạo ra bất bình đẳng giữa các hiệp hội DN liên quan tới việc hỗ trợ DNNVV là thành viên của mình.

VCCI cho rằng với việc tập trung toàn bộ các trách nhiệm hỗ trợ DNNVV cho VINASME, dự thảo luật dường như tự cắt bỏ một mạng lưới quan trọng các chủ thể có thể đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc hỗ trợ DNNVV vốn rất sát sườn với các DNNVV là các hiệp hội DN các cấp, các ngành nghề.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân (trái) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân (trái) và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc

"Với quy định như dự luật thì thay vì huy động trí tuệ, năng lực của tất cả các hiệp hội DN vào việc hỗ trợ DNNVV thì dự thảo đang đánh cược hiệu quả hỗ trợ cả cộng đồng DNNVV vào chỉ một hiệp hội là rủi ro"- ông Lộc đánh giá.

Từ đó, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định: "Việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ toàn bộ cộng đồng DNNVV ở Việt Nam theo dự luật cho VINASME là không phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này và “vô lý”. Dự luật nhấn mạnh quá nhiều về quyền lợi và chức năng của VINASME mà bỏ qua các hiệp hội khác như VCCI, Doanh nhân trẻ, Nữ doanh nhân, địa phương, … nơi có 98% thành viên là các DNNVV".

VCCI kiến nghị dự luật cần quy định chung tất cả các chủ thể đại diện DN vào một cụm chung, không tách biệt 3 nhóm như hiện nay. Ông Lộc gợi ý điều 30 của dự luật có thể quy định tương tự như Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là: “VCCI và các hiệp hội DN có trách nhiệm sau:…”.

Đánh giá tổng thể cả dự thảo luật, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nói: "Cộng đồng DN chưa hài lòng bởi còn rất nhiều quy định chung chung, khó khả thi".

Phản ứng ngược lại quan điểm của người đứng đầu VCCI đối với quy định tại điều 30 của dự luật, Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân nói thẳng: "Có ý kiến cho rằng chúng tôi không đại diện cho cộng đồng DNNVV Việt Nam, nhưng thực tế tôi là đại diện vì đã trở thành Đại biểu QH, là thành viên của Mặt trật tổ quốc Việt Nam. Vì thế ý kiến này phải xem xét lại về mặt nhận thức”.

Làm rõ thêm, ông Thân cho biết gần đây ông được QH và Chính phủ cho đi thăm quan Nhật Bản và Cộng hoà Liên bang Đức là 2 nước đánh giá cao vai trò của hiệp hội có mô hình tương tự VINASME.

“Người ta đánh giá rất cao về mô hình VINASME về đổi mới sáng tạo như là liều thuốc tiên để phát triển kinh tế đất nước” - ông Thân tự hào.

Ông Thân tiếp tục nói: “Chúng tôi có rất nhiều năng lượng để tham gia và cộng đồng DNNVV đang tràn ngập khí thế. Có ý kiến nói VINASME là "nhỏ không chấp", khiến cộng đồng DNNVV rất bực mình, VINASME bị tổn thương, bị xúc phạm và rất đau lòng. Chúng tôi mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể để kết hợp với lực lượng đông đảo DNNVV”.

Vì vậy, Chủ tịch VINASME đề nghị UBTVQH: “Nếu dự luật quy định chi tiết thì chúng tôi mới làm được. Nếu để chung chung như ông Vũ Tiến lộc nói thì sẽ không làm được gì. 10 năm nay chúng tôi tham gia VCCI mà chẳng thấy có tác dụng gì cả”.

Trước ý kiến trái chiều của VCCI và VINASME, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Tôi đề nghị không tranh luận điều 30 nữa. Ngồi đây mà tranh luận thì sẽ mất thời gian. Ông Vũ Tiến Lộc và ông Nguyễn Văn Thân đều là Đại biểu QH thuộc đoàn Đại biểu QH tỉnh Thái Bình nên nếu cần thì về đoàn trao đổi".

Tuy nhiên, Chủ tịch QH cũng yêu cầu rà soát lại quy định tại điều 30 để không làm mất vai trò của tổ chức nào.

Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói: "Càng nhiều tổ chức hỗ trợ DNNVV thì càng tốt nên giữ nguyên điều 30 là phù hợp. VCCI và VINASME là hai tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng và không thể hiệp hội này là tổ chức “mẹ” của tổ chức khác. VCCI là thành viên ban soạn thảo dự luật và trước đó rất ủng hộ nhưng không hiểu sao hôm nay lại có ý kiến ngược lại?".

Về tổng thể dự thảo luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định đã được chỉnh lý hết sức nghiêm túc, các nội dung đều không còn vấn đề gì lớn, những ý kiến từ VCCI thì cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu và thấy rằng chưa thể tiếp thu được ở giai đoạn này.

Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo và Uỷ ban Kinh tế rà soát điều 30 để không ảnh hưởng chức năng của VCCI và VINASME.

Điều 30. Trách nhiệm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội, ngành nghề

1. Ngoài những nhiệm vụ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp quy mô lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có trách nhiệm sau đây:

a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này;

c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này.

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

e) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Các hiệp hội ngành nghề phối hợp thúc đẩy, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.

Phương án 2:

2. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hiệp hội ngành nghề có trách nhiệm sau đây:

a) Tập hợp, liên kết, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên là doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai cơ chế, chính sách liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định tại Luật này;

c) Huy động các nguồn lực và thực hiện hỗ trợ hội viên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật này.

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên ngành của hiệp hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

đ) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức sự kiện tôn vinh, bình chọn, phong, tặng danh hiệu, giải thưởng và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

e) Phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo